Theo số liệu của cơ quan nhập cư New Zealand cho thấy, số người bị trục xuất khỏi New Zealand đã giảm 80% vào giữa năm 2022 so với giai đoạn 2017-18.
Nhưng tính thời gian khoản giữa năm 2022 tới giữa năm 2023, con số này đã tăng lên 212 ca trục xuất, tăng hơn 128 trường hợp so với cùng kỳ năm trước.
Trong 5 năm qua, tổng cộng 5511 người đã rời New Zealand, bằng cách bị trục xuất, tự trục xuất sau khi được thông báo hoặc tự nguyện rời đi trước khi được thông báo vì biết rằng họ đã ở đây bất hợp pháp.
Trong số các trường hợp bị xem xét trục xuất, có trường hợp một người phụ nữ Việt Nam 41 tuổi.
Cô đã gặp chồng cũ của mình là người New Zealand tại Việt Nam vào năm 2014. Họ kết hôn sau 3 năm quen biết, sau đó cô ấy cùng hai đứa con nhỏ của mình chuyển đến New Zealand theo chồng vào tháng 2 năm 2020 và chia tay sau 3 năm chung sống.
Hậu ly hôn, cô trở thành mẹ đơn thân, đối mặt với khả năng bị trục xuất khỏi New Zealand.
Người phụ nữ này sau đó đã kháng cáo lên Hội đồng Bảo vệ và Di trú, thuyết phục thành công cơ quan chức năng cho phép cô ở lại. Với lý do đưa ra là cô lo sợ mình sẽ bị gia đình ở Việt Nam ngược đãi nếu trở về, vì cô đã khiến họ thất vọng khi mối quan hệ của cô với chồng cũ người Kiwi không mang lại lợi ích tài chính cho gia đình.
Tuy nỗi lo sợ bị bức hại của cô được xác định không có cơ sở, tòa án vẫn công nhận những ảnh hưởng về mặt nhân đạo mà việc trục xuất sẽ gây ra đối với hai đứa con của cô - bọn trẻ là công dân New Zealand. Cuối cùng cô đã được đồng ý cấp thị thực cư trú. Bởi tòa án nhận thấy rằng việc trục xuất sẽ tách cô ra khỏi hai đứa con nhỏ, và việc mất liên lạc với mẹ có thể sẽ gây ảnh hưởng bất lợi nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và tâm lý của chúng.
Cô là một trong số 203 người đã kháng cáo lên Hội đồng Bảo vệ và Di trú chống lại việc có thể bị trục xuất trong năm ngoái, và là một trong số 114 người đã thành công trong việc thuyết phục các cơ quan chức năng cho phép mình ở lại.
Theo nzherald.co.nz - Tam Nguyen