Tình trạng đổ trộm rác đang ngày càng gây bức xúc tại Auckland, khiến người dân phải gánh chịu chi phí hàng triệu đô mỗi năm để dọn dẹp các loại rác thải kỳ lạ và nguy hiểm.

Mỗi tháng, hơn 1300 vụ đổ trộm rác được ghi nhận trên toàn thành phố — trung bình hơn 40 vụ mỗi ngày. Những món bị vứt bỏ bao gồm xe hơi, tủ lạnh, rác độc hại, thậm chí lên tới 500 chiếc nệm mỗi tháng.
Reg Walker, quản lý hợp đồng của Eco Maintenance, cho biết không còn điều gì khiến ông ngạc nhiên nữa:
“Chúng tôi thường thấy xác cừu, từng có người vứt cả con bò xuống bãi biển Kawakawa Bay. Xe hơi, nửa xe, thuyền thủng, và cả cây cần sa — chỉ còn lại chậu và thân cây.”
Ông nói thêm rằng các điểm đổ rác trái phép thường nằm ở khu vực hẻo lánh, nơi không có người ở:
“Chủ yếu là trong các khu bảo tồn, công viên, hoặc vùng chưa phát triển. Đã có lần chúng tôi phải đu dây xuống vách đá để thu dọn đồ bị ném từ trên cao xuống.”
Chi phí tăng cao, ai chịu?
Hội đồng thành phố Auckland đã chi 2,7 triệu đô trong năm tài chính 2024 để xử lý rác thải trái phép — tăng thêm 200.000 đô mỗi năm kể từ 2022.
Những món cồng kềnh hoặc nguy hiểm như piano, amiăng, dầu thải... làm tăng đáng kể chi phí dọn dẹp.
“Với những món như piano, phải cần đến 4 người và thiết bị nâng đặc biệt. Nếu rác nằm gần đường cao tốc, chúng tôi còn phải bố trí hệ thống điều phối giao thông, có thể tốn thêm 2.000 đô, cộng với 1.000 đô để đu dây xuống vực,” Walker nói.

Biện pháp đối phó từ chính quyền
Justine Haves, tổng giám đốc bộ phận giải pháp rác thải của Auckland Council, cho biết họ đang triển khai nhiều biện pháp phòng chống:
• 7.500 đô dành cho hệ thống camera giám sát.
• 174.000 đô cho các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức.
• 5.600 đô cho tem điều tra,
• Và 5.200 đô cho biển cảnh báo tại các điểm nóng.
Từ tháng 7/2024 đến hết tháng 3/2025, 375 án phạt đã được ban hành, thu về 123.950 đô. Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm vẫn còn gặp khó khăn.
“Nếu phát hiện được thủ phạm, chúng tôi có thể yêu cầu họ tự thu gom, giảm chi phí xử lý. Nhưng nếu không có bằng chứng cụ thể, việc khởi tố là rất khó,” Haves cho biết.
Cộng đồng vào cuộc
Một số sáng kiến địa phương đang được triển khai:
• Dự án tại Māngere-Otāhuhu nhằm xử lý rác thải xây dựng.
• Các nhóm tình nguyện dọn rác tại Māngere, Otāhuhu, Manurewa và Ōtara.
• Tuyên truyền giáo dục, phát tờ rơi đến tận nhà, lắp biển báo tại điểm nóng.
• Sáng kiến do iwi (người Māori bản địa) dẫn dắt tại Māngere, giúp giám sát và ngăn chặn hành vi đổ rác trộm.
• Dịch vụ Tyrewise – nơi tiếp nhận và xử lý lốp xe không sử dụng.
Theo rnz.co.nz – Khoa Tran