Một công ty đòi nợ cùng giám đốc điều hành đã bị kết án và buộc phải nộp phạt tổng cộng 115.500 NZD, bao gồm cả tiền bồi thường thiệt hại tinh thần, vì hành vi gây hiểu lầm trong quá trình thu hồi nợ.
John Stuart Campbell, giám đốc công ty Law Debt Collection, đã nhận tội tại Tòa án Quận Manukau sau cuộc điều tra và truy tố của Ủy ban Thương mại New Zealand (Commerce Commission).
Theo Ủy ban Thương mại, Campbell và công ty của ông đã đe dọa hoặc thực hiện việc đăng ký nợ xấu (credit default) trên hồ sơ tín dụng của con nợ một cách sai trái, dù không có quyền hợp pháp để làm vậy.
“Ông Campbell và Law Debt Collection đã vượt quá giới hạn khi đe dọa người nợ bằng những hậu quả nghiêm trọng không có căn cứ pháp lý,” bà Vanessa Horne, Giám đốc mảng cạnh tranh, thương mại công bằng và tín dụng của Ủy ban Thương mại, cho biết. “Điều này có thể đã gây ra sự lo lắng không cần thiết cho các con nợ.”
Việc bị ghi nhận nợ xấu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến điểm tín dụng, gây khó khăn trong việc vay tiền, mở thẻ tín dụng hoặc mua nhà. Theo Ủy ban, nhiều người dân thiếu hiểu biết về quyền hạn của các công ty đòi nợ, và trường hợp này cho thấy quyền lực đó đã bị lạm dụng.
“Các công ty đòi nợ không được phép lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân và không được đưa ra những tuyên bố sai lệch,” bà Horne nhấn mạnh.
Trong quá trình điều tra, Ủy ban phát hiện ông Campbell đã từng bị cảnh báo vào năm 2019 khi còn là giám đốc tại công ty Twenty Five Station Limited – công ty hiện đã giải thể – cũng vì hành vi quấy rối, cưỡng ép và gây hiểu lầm khi thu nợ.
Ở vụ việc lần này, Campbell còn bị phát hiện đã tự ý cộng thêm phí thu hồi nợ lên tới 1507 NZD trên số tiền gốc – mà không có căn cứ rõ ràng.
“Ông ta gọi việc đe dọa đưa nợ xấu là ‘vũ khí lợi hại nhất’ và cho rằng ‘nếu người nợ cần vay tiền, họ sẽ phải trả nợ’,” báo cáo của Ủy ban Thương mại nêu rõ.
Tòa án đã phạt ông Campbell cùng hai công ty Law Debt Collection (NZ) Limited và Law Debt Collection Limited tổng cộng 115.500 NZD, bao gồm tiền phạt và bồi thường thiệt hại tinh thần cho một số nạn nhân.
“Trong bối cảnh ngày càng nhiều người dân New Zealand rơi vào cảnh nợ nần, vụ án này là lời cảnh tỉnh nghiêm túc cho toàn ngành thu hồi nợ: Phải tuân thủ pháp luật, nếu không sẽ bị xử lý nghiêm,” bà Horne cảnh báo.
Theo 1news.co.nz – Noo Thuyen