Viễn cảnh nghỉ hưu của người dân New Zealand đang thay đổi đáng kể khi ngày càng nhiều người cao tuổi vẫn phải thuê nhà, trả nợ thế chấp, hoặc sở hữu những ngôi nhà đang mất giá trị. Cùng với những thay đổi về KiwiSaver và bất ổn kinh tế toàn cầu, kế hoạch nghỉ hưu từng được xem là ổn định này giờ đây đang trở nên bấp bênh.
Theo báo cáo của chuyên gia Claire Dale, việc dựa vào giá trị bất động sản để đảm bảo tài chính sau tuổi 65 không còn đáng tin cậy như trước.
Sở hữu nhà ở giảm, tuổi mua nhà tăng
Tỷ lệ sở hữu nhà ở New Zealand đã giảm mạnh từ 75% năm 1991 xuống còn 60% vào năm 2023, và được dự đoán sẽ chỉ còn 48% vào năm 2048.
Trong khi đó, tuổi trung bình của người mua nhà lần đầu đã tăng lên 36 tuổi, đồng nghĩa với việc 13% người New Zealand vẫn đang trả nợ thế chấp sau khi đã nghỉ hưu.
Không chỉ vậy, số người cao tuổi phải thuê nhà cũng đang gia tăng nhanh chóng, dự kiến sẽ chiếm 40% tổng số người nghỉ hưu vào năm 2048, gây thêm áp lực lên nguồn cung nhà ở trong nước.
Dù được kỳ vọng là công cụ tích lũy hưu trí chính, KiwiSaver hiện không đủ sức thay thế “tổ tiết kiệm” truyền thống là ngôi nhà. Trung bình, người dân New Zealand chỉ có khoảng 37.079 NZD trong tài khoản KiwiSaver, trong khi hàng ngàn người sắp nghỉ hưu chỉ có dưới 10.000 NZD tích lũy.
Mua nhà vào thời điểm giá đỉnh: “mắc kẹt” tài chính
Những người hiện trong độ tuổi từ 35–49 tuổi đang đối mặt với viễn cảnh nghỉ hưu khó khăn nhất, theo một báo cáo từ tổ chức tín dụng Centrix. Họ chính là thế hệ mua nhà vào thời điểm giá cao nhất.
Từ năm 2015 đến cuối 2024, giá nhà trung bình tăng hơn 60%, từ 556.931 NZD lên 892.579 NZD, trong khi thu nhập không tăng tương xứng. Nếu vào năm 2000, giá nhà chỉ gấp 5 lần thu nhập hộ gia đình trung vị thì đến 2025, con số này đã tăng lên 7,5 lần.
Giá nhà dự kiến không quay lại mức đỉnh 2021 (theo giá thực tế đã điều chỉnh lạm phát) cho tới sau năm 2030, với mức giảm thực khoảng 20% so với đỉnh.
Áp lực nhà ở buộc người cao tuổi phải tiếp tục làm việc
Báo cáo của Bộ Tài chính New Zealand (Treasury) năm 2022 cho thấy, hơn 50% người nhận trợ cấp hưu trí vẫn trả nợ nhà và dành hơn 80% thu nhập hưu trí cho chi phí nhà ở. Trong khi đó, người đã trả hết nợ nhà chỉ dùng chưa đến 20% trợ cấp cho chi phí tương tự.
Dù có vẻ ít bị ảnh hưởng hơn do mua nhà từ thập niên 1990–2000, chỉ 38% người từ 55–64 tuổi đã trả hết nợ nhà, cho thấy gánh nặng tài chính vẫn hiện hữu.
KiwiSaver thay đổi và hiệu suất thấp
Từ năm 2026, tỷ lệ đóng góp KiwiSaver của người lao động và doanh nghiệp sẽ tăng lần lượt lên 3,5% và 4% vào năm 2028, nhưng điều này chỉ phần nào bù đắp việc giảm hỗ trợ từ chính phủ.
Thay đổi lớn hơn là người trên 65 tuổi không còn được đảm bảo nhận đóng góp từ nhà tuyển dụng, trừ khi họ chủ động đóng góp tiếp vào KiwiSaver. Trong khi đó, 24% người trên 65 tuổi vẫn đang đi làm.
Đáng lo ngại hơn, hiệu suất đầu tư KiwiSaver đang bị ảnh hưởng bởi thị trường toàn cầu bất ổn, khiến nhiều người gần nghỉ hưu rơi vào thế bị động vì giá trị quỹ giảm.
Làm việc sau 65 tuổi ngày càng phổ biến
Tính đến năm 2030, dự báo sẽ có khoảng 265.000 người trên 65 tuổi vẫn đang làm việc tại New Zealand. Văn phòng Người cao tuổi (Office for Seniors) cho biết một phần ba lực lượng lao động hiện đã trên 50 tuổi, và 50% người từ 60–69 tuổi vẫn đi làm.
Quan trọng hơn, theo Ủy ban Hưu trí, một phần ba người trên 65 tuổi làm việc không phải vì lựa chọn, mà vì bắt buộc, do không có nhà và không đủ tiết kiệm để trang trải cuộc sống.
Theo 1news.co.nz – Noo Thuyen