Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký một sắc lệnh cho phép đánh bắt cá thương mại trong khu vực di sản biển quốc gia Pacific Islands Heritage Marine National Monument, một trong những khu bảo tồn đại dương nguyên sơ nhất thế giới, rộng hơn 1,28 triệu km² tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương.
Khu bảo tồn này được thiết lập vào đầu năm 2009 bởi cựu Tổng thống George W. Bush nhằm bảo vệ hệ sinh thái biển nhiệt đới quý giá. Tuy nhiên, quyết định của Trump đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các tổ chức bảo tồn môi trường.
“Đây là một trong những môi trường biển nhiệt đới nguyên sơ nhất thế giới, vốn đã bị đe dọa nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và axit hóa đại dương,” luật sư David Henkin từ tổ chức Earthjustice nói.
“Chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng để bảo vệ khu bảo tồn này.”
Chính quyền Trump: "Giảm gánh nặng quản lý cho ngành đánh bắt"
Ngược lại, chính quyền Trump lập luận rằng các quy định nghiêm ngặt, bao gồm giới hạn sản lượng và cạnh tranh không gian từ các công ty năng lượng gió, đã kìm hãm ngành đánh bắt cá – một trong những ngành lâu đời nhất của Mỹ.
Sắc lệnh hành pháp viết:
“Bên cạnh tình trạng bị quản lý quá mức, các chính sách thương mại không công bằng cũng đã khiến ngành thủy sản Mỹ gặp bất lợi về cạnh tranh.”
Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick được giao nhiệm vụ trong vòng 1 tháng phải xác định những ngư trường bị “quản lý quá mức” và thực hiện các biện pháp giảm nhẹ gánh nặng. Các cơ quan quản lý khu vực cũng được yêu cầu đưa ra phương án gia tăng sản lượng đánh bắt trong nước.
Ngoài ra, sắc lệnh cũng yêu cầu xây dựng chiến lược thương mại thủy sản toàn diện, đồng thời xem xét lại các khu bảo tồn biển hiện có – là những khu vực dưới nước được bảo vệ – và đề xuất khu vực nào có thể được mở cửa trở lại cho hoạt động thương mại.
Đây không phải là lần đầu Trump nhắm đến các khu bảo tồn biển – ông cũng từng có hành động tương tự trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Theo 1news.co.nz – Khoa Tran