Một con rắn biển bụng vàng có nọc độc vừa được phát hiện sống sót trên bãi biển bờ Tây của Đảo Nam, đánh dấu lần thứ hai loài rắn nguy hiểm này xuất hiện tại New Zealand chỉ trong vòng chưa đầy một tuần.
Cư dân Hokitika, bà Vicki Breeze, đã phát hiện con rắn khi đang dắt chó đi dạo trên bãi biển vào ngày thứ Sáu. Ban đầu, bà tưởng rằng đó là một khúc gỗ có hình thù lạ và định mang về cho các cháu mình.
“Trông nó xoắn lại như một khúc gỗ, tôi nghĩ ‘để xem thử cái gì đây’. Khi cúi xuống định nhặt thì tôi đá nhẹ vào và nó… chuyển động,” bà kể lại.
“Lúc đó tôi hoảng thật sự... nên tôi tiếp tục đi dạo luôn.”
Bà nghĩ thủy triều sẽ cuốn con rắn đi. Tuy nhiên, bạn đời của bà, ông John Van Dissel, sau khi tra cứu thông tin trên mạng, mới biết rằng đây là loài rắn biển có nọc độc nguy hiểm.
Sau đó, hai người lập tức liên hệ với Bộ Bảo tồn Thiên nhiên (DOC). Họ quay lại bãi biển cùng một nhân viên DOC để xử lý sự việc.
“Nhân viên DOC dùng que nâng rắn lên rồi bỏ vào xô – lúc đó nó vẫn còn cố bò ra nên chắc chắn là vẫn còn sống,” bà Breeze nói.
“Theo họ, con rắn đang trong tình trạng kiệt sức và sẽ không sống sót được vì thời tiết quá lạnh. Có thể nó chỉ nhờ ánh nắng mới cầm cự được đến vậy.”
Rắn biển có thể dạt vào do ảnh hưởng của bão nhiệt đới
Người phát ngôn của DOC xác nhận họ đã nhận được cuộc gọi từ người dân báo tin về con rắn và nhanh chóng có mặt tại hiện trường.
“Nhiều khả năng con rắn trôi dạt đến đây do ảnh hưởng từ cơn bão gần đây. Nhiệt độ ở khu vực này quá thấp để chúng có thể sống sót, và con rắn đã chết sau đó,” người phát ngôn cho biết.
Chỉ vài ngày trước đó, một con rắn biển bụng vàng khác cũng được phát hiện tại bãi biển Omaha gần Auckland.
Theo DOC, mỗi năm có khoảng 6 đến 10 trường hợp rắn biển bụng vàng được phát hiện ở New Zealand, chủ yếu là ở vùng bờ biển phía đông bắc của Đảo Bắc. Loài rắn này phân bố rộng khắp Thái Bình Dương và thích nghi với vùng nước nhiệt đới ấm áp – mặc dù chúng được xem là “hiền lành”, nhưng vẫn cực kỳ độc.
Người dân được nhắc nhở không động vào rắn và báo ngay cho DOC
Bộ Bảo tồn Thiên nhiên cảnh báo người dân không nên động chạm hoặc giết hại rắn biển, vì đây là loài bản địa và việc giết hoặc sở hữu rắn biển là hành vi trái pháp luật. Nếu phát hiện, hãy gọi ngay số 0800 DOC HOT (0800 362 468) để được hỗ trợ.
Bà Breeze chia sẻ hy vọng con rắn có thể được giữ lại và trưng bày tại Trung tâm Kiwi Quốc gia và Thủy cung ở thị trấn Hokitika, nếu phù hợp.
Theo rnz.co.nz – Noo Thuyen