Một tàu vũ trụ thời Liên Xô, từng được phóng lên sao Kim từ thập niên 1970, hiện đang trên đà lao không kiểm soát trở lại Trái Đất sau hơn 50 năm quay quanh hành tinh.

Theo các chuyên gia theo dõi rác thải không gian, hiện vẫn còn quá sớm để xác định chính xác vị trí tàu vũ trụ nặng gần nửa tấn sẽ rơi xuống, cũng như mức độ nó có thể chịu được khi tái nhập khí quyển. Dự kiến, tàu có thể sẽ rơi xuống vào khoảng ngày 10/5, theo ước tính của nhà khoa học Hà Lan Marco Langbroek.
Langbroek dự đoán, nếu tàu vẫn còn nguyên vẹn, nó có thể lao xuống với tốc độ lên đến 242 km/h. Tuy nhiên, ông trấn an rằng rủi ro đối với con người là rất thấp. “Dù không hoàn toàn không có rủi ro, nhưng chúng ta không nên quá lo lắng,” ông chia sẻ qua email. “Rủi ro này tương đương với việc bị thiên thạch rơi trúng – điều vốn đã xảy ra vài lần mỗi năm. Khả năng bị sét đánh trong đời còn cao hơn.”
Tàu vũ trụ này, có tên là Kosmos 482, được Liên Xô phóng lên vào năm 1972 trong khuôn khổ một loạt sứ mệnh thăm dò sao Kim. Tuy nhiên, do trục trặc tên lửa, nó không bao giờ thoát khỏi quỹ đạo Trái Đất.
Phần lớn cấu trúc của tàu đã rơi trở lại trong vòng một thập kỷ sau đó. Tuy nhiên, theo Langbroek và các nhà quan sát khác, khoang đáp hình cầu (đường kính khoảng 1 mét) đã tiếp tục quay quanh Trái Đất suốt 53 năm qua với quỹ đạo hình elip, dần dần hạ thấp độ cao.
Do được thiết kế để chịu được môi trường khắc nghiệt khi hạ cánh xuống sao Kim – nơi có khí quyển dày đặc CO₂ – khoang đáp có khả năng sống sót khi tái nhập khí quyển Trái Đất, với khối lượng gần 500 kg.
Tuy nhiên, các chuyên gia nghi ngờ rằng hệ thống dù của tàu vẫn còn hoạt động sau hàng thập kỷ, và lá chắn nhiệt có thể đã bị hư hỏng.
Theo nhà thiên văn học Jonathan McDowell thuộc Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian, nếu lá chắn nhiệt bị hỏng, khoang đáp sẽ cháy rụi trong quá trình rơi – một kịch bản an toàn hơn. Nhưng nếu nó vẫn còn nguyên, “chúng ta sẽ có một khối kim loại nửa tấn rơi thẳng từ bầu trời.”
Vùng có thể xảy ra va chạm bao gồm khu vực nằm giữa vĩ độ 51,7 độ Bắc và Nam, trải dài từ London và Edmonton (Canada) cho đến mũi Cape Horn (Nam Mỹ). Tuy nhiên, với phần lớn bề mặt Trái Đất là đại dương, khả năng cao vật thể này sẽ rơi xuống biển, Langbroek nhận định.
Theo 1news.co.nz – Khoa Tran