Một bác sĩ chuyên điều trị giảm cân cảnh báo rằng Wegovy, loại thuốc giảm cân mới được đưa vào sử dụng tại New Zealand, không phải là giải pháp “thần kỳ” cho bệnh béo phì, và thậm chí có thể gây hại nếu sử dụng sai cách.
Tiến sĩ Rowan French, bác sĩ phẫu thuật giảm cân (bariatric) tại Waikato, cho biết Wegovy là một công cụ hữu ích trong cuộc chiến chống béo phì, nhưng phải được kết hợp với hỗ trợ tâm lý, vận động và dinh dưỡng để đạt hiệu quả lâu dài.
“Béo phì là một căn bệnh kéo dài cả đời, và dù có thể kiểm soát được, khả năng chữa khỏi hoàn toàn là rất thấp. Nếu không có thay đổi lối sống sâu sắc, việc dùng thuốc có thể gây tác dụng ngược,” ông nói.
Wegovy hoạt động như thế nào?
Wegovy chứa semaglutide, một phiên bản tổng hợp của hormone GLP-1 do ruột non sản sinh. Hormone này giúp kiểm soát lượng đường máu và ức chế cảm giác thèm ăn.
Cơ chế này tương tự như tác động của phẫu thuật cắt dạ dày (gastric bypass), nhưng Wegovy được tiêm vào tuần một lần dưới da với liều lượng lớn, thay vì sản sinh tự nhiên theo chu kỳ như khi ăn.
Tuy nhiên, theo Dr. French, việc tiêm GLP-1 với liều cao dễ dẫn đến hiện tượng "nhờn thuốc" (tachyphylaxis) – tức là hiệu quả giảm dần theo thời gian. “Khả năng cao là người dùng sẽ phải đối mặt với tình trạng mất tác dụng sớm hơn so với phẫu thuật,” ông cảnh báo.
Giảm cân bền vững cần thay đổi lối sống toàn diện
French nhấn mạnh rằng giảm cân thành công không chỉ nằm ở việc dùng thuốc hay phẫu thuật, mà cần có sự hỗ trợ đa ngành: tâm lý, dinh dưỡng và vận động.
Ông cho biết hiện tượng tăng cân trở lại là rất phổ biến, đặc biệt nếu người bệnh không được theo dõi lâu dài sau điều trị.
“Chúng tôi biết rằng khi ngừng dùng semaglutide, hầu hết bệnh nhân sẽ tăng cân trở lại. Và nếu tiếp tục dùng, cơ thể sẽ phát triển khả năng kháng thuốc.”
Béo phì là kết quả của gene, môi trường và thói quen
Theo French, béo phì là một căn bệnh mãn tính có yếu tố di truyền và được hình thành từ những tác động sớm trong cuộc đời, bao gồm cả chấn thương tâm lý và môi trường sống.
Ông gọi trọng lượng cơ thể là “điểm đặt sinh lý” mà bộ não nguyên thủy sẽ luôn cố gắng duy trì hoặc quay trở lại, ngay cả sau các chế độ ăn kiêng.
“Hiện tượng giảm rồi tăng cân (yo-yo dieting) khiến cơ thể hiểu rằng bạn đang bị đói, từ đó tăng 'điểm đặt' và tích mỡ nhiều hơn cho lần sau.”
Thủ phạm giấu mặt: Thực phẩm siêu chế biến
French cho rằng thực phẩm siêu chế biến (UPFs) là nguyên nhân chính dẫn đến “đại dịch béo phì” bùng phát từ giữa những năm 1980.
“Khoảng 50–60% khẩu phần ăn hiện nay là từ thực phẩm công nghiệp – loại được thiết kế để khiến chúng ta ăn càng nhiều càng tốt.”
UPFs có đặc điểm: mềm, dễ ăn, ít chất xơ, không kích thích hormone tạo cảm giác no, thường chứa muối, đường và chất béo ở mức tối ưu để gây nghiện.
French cảnh báo: “Thực phẩm siêu chế biến không chỉ gây béo phì, mà còn liên quan đến tiểu đường, trầm cảm, sa sút trí tuệ và ung thư.”
Giải pháp: Ăn thực phẩm nguyên chất
French khuyên bệnh nhân của mình ăn ít nhất 95% là thực phẩm nguyên chất (whole food) – tức là những gì “bà của bạn có thể nhận ra là thức ăn”.
“Nếu một thực phẩm được bọc trong nhựa và có thành phần mà bạn không tìm thấy trong bếp gia đình – đó là thực phẩm siêu chế biến.”
Theo rnz.co.nz – Noo Thuyen