Hội đồng thành phố Auckland đang kêu gọi chính phủ trao thêm quyền lực theo Đạo luật Kiểm soát Chó năm 1996 trong bối cảnh tình trạng chó thả rông và mất kiểm soát gia tăng đáng báo động.

Khủng hoảng vượt khỏi tầm kiểm soát, nhóm cứu hộ kiệt sức
Jo Coulam, tình nguyện viên tại tổ chức cứu hộ động vật Saving Hope Foundation, cho biết các nhóm cứu hộ hiện đang bị quá tải và cảm thấy bị bỏ rơi.
Cô chỉ trích chương trình thử nghiệm triệt sản chó của Hội đồng thành phố là không nhắm đúng cộng đồng cần hỗ trợ, khiến gánh nặng đổ dồn lên vai các tổ chức thiện nguyện.
“Chỉ trong một ngày, chúng tôi nhận 46 yêu cầu cứu hộ. Đến 1 giờ chiều hôm đó, đã có thêm 32 ca nữa, trong đó có một mẹ chó và một bầy con mới sinh. Mọi thứ đã vượt tầm kiểm soát,” Coulam nói.
“Chúng tôi đã cảnh báo từ tháng 5 về các khu nhà ở Kāinga Ora – giờ thì chó con bị bỏ lại trên đường ray và trong thùng rác.”
Người dân South Auckland gặp nguy hiểm
Nghị sĩ Manurewa Arena Williams cho biết tình hình tồi tệ hơn trong hai năm qua, đặc biệt ảnh hưởng đến trẻ em và người cao tuổi ở khu vực South Auckland.
“Chó thả rông đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Chúng tôi đang chứng kiến các đàn chó hoang không ai sở hữu gây nguy hiểm thực sự. Đã đến lúc chính quyền trung ương và địa phương phải hành động cùng nhau.”
Bà kêu gọi Thị trưởng và Ủy viên hội đồng Josephine Bartley thành lập lực lượng đặc nhiệm phối hợp giải quyết vấn đề.

Hội đồng Auckland bảo vệ phản ứng hiện tại, kêu gọi cải cách luật
Elly Waitoa, Giám đốc Quản lý Động vật của Hội đồng Auckland, khẳng định an toàn cộng đồng là ưu tiên hàng đầu, và chủ nuôi phải chịu trách nhiệm về vật nuôi của mình.
Hội đồng đang đề xuất chính phủ trao thêm quyền thực thi, bao gồm:
• Yêu cầu triệt sản bắt buộc
• Chỉ trả chó về khi đã triệt sản
• Rút ngắn thời gian giữ tại trung tâm từ 7 còn 5 ngày
• Tăng mức phạt với các hành vi cản trở hoặc vi phạm lệnh kiểm soát
• Yêu cầu các bệnh viện báo cáo các vụ chó tấn công nghiêm trọng
“Chúng tôi không thể tiếp tục chỉ trông chờ vào giáo dục. Cần những công cụ pháp lý thật sự – như tiêu chuẩn rào chắn bắt buộc và báo cáo y tế – để ngăn chặn nguy hiểm cho cộng đồng.”

Số liệu thống kê cho thấy bức tranh ảm đạm
Trong năm qua:
• 16.739 báo cáo chó thả rông
• 1.341 vụ chó tấn công người
• 1.523 vụ tấn công động vật khác
• Hơn 6.000 con chó bị tiêu hủy – hơn một nửa số chó bị tạm giữ
Chỉ 42% chó được chủ đến nhận lại.
Theo Robert Irvine, Tổng Giám đốc Dịch vụ Cộng đồng, nhiều vụ tấn công nghiêm trọng – đặc biệt liên quan đến trẻ em – xảy ra ngay trong nhà và không được báo cáo.
“Nếu có yêu cầu báo cáo từ bệnh viện, chúng tôi có thể can thiệp kịp thời và ngăn các vụ tấn công tương lai.”
SPCA lên tiếng ủng hộ, nhưng kêu gọi đầu tư quốc gia
Rebecca Dobson, Quản lý Chương trình Cộng đồng của SPCA, cho biết giải pháp lâu dài cần khoản đầu tư hơn 75 triệu đô.
“SPCA, hội đồng, bác sĩ thú y và cộng đồng đang gồng mình xử lý hậu quả vì chó không được triệt sản. Chúng tôi không thể làm việc này một mình. Triệt sản phải là ưu tiên quốc gia.”
Bà cũng nhấn mạnh việc xử lý chó thả rông và tấn công là trách nhiệm của hội đồng địa phương, không phải của SPCA.
Hội đồng cam kết hành động tiếp theo
Hội đồng Auckland đã dành 5,9 triệu đô cho tuần tra và giáo dục cộng đồng, đồng thời đang xây dựng đề xuất ngân sách bổ sung cho năm tài chính tới.
Thông điệp đến chủ nuôi:
Hãy giữ chó của bạn trong khuôn viên, đảm bảo triệt sản và luôn kiểm soát chặt chẽ.
Theo 1news.co.nz – Khoa Tran