Cơ quan An toàn Thực phẩm New Zealand vừa phát đi cảnh báo khẩn cấp: Người dân tuyệt đối không nên thu hoạch hoặc tiêu thụ các loại động vật có vỏ tại khu vực Tây Firth of Thames do phát hiện mức độc tố gây tê liệt thần kinh (paralytic shellfish toxins) vượt ngưỡng an toàn.
Theo kết quả kiểm tra định kỳ tại điểm Waimangu, các mẫu động vật có vỏ tại đây đã cho thấy mức độ độc tố cao vượt giới hạn cho phép. Khu vực cảnh báo kéo dài từ cửa sông Waitakaruru đến đảo Pakatoa, và kéo dài đến điểm giữa của vùng Firth.

Các loại động vật có vỏ bị ảnh hưởng bao gồm:
• Ngao hai mảnh vỏ như: vẹm, hàu, tuatua, pipi, toheroa, sò điệp, cockles
• Các loài ốc như: pūpū (ốc mắt mèo) và ốc Cook's turban
Ông Vincent Arbuckle, Phó Tổng cục trưởng của New Zealand Food Safety cho biết:
“Nấu chín không loại bỏ được độc tố trong các loài động vật có vỏ bị nhiễm. Vì vậy, cách tốt nhất là không thu hoạch và không ăn chúng.”
Tuy nhiên, một số loài vẫn an toàn nếu được sơ chế đúng cách, bao gồm:
• Kina (nhím biển)
• Pāua (bào ngư), cua và tôm hùm, miễn là loại bỏ ruột trước khi nấu chín.
Hiện tại chưa ghi nhận trường hợp ngộ độc nào, và Cơ quan An toàn Thực phẩm New Zealand sẽ tiếp tục giám sát tình hình và cập nhật thông tin tới người dân.

Đáng chú ý, các sản phẩm động vật có vỏ được khai thác thương mại vẫn an toàn để tiêu thụ.
Triệu chứng ngộ độc động vật có vỏ xuất hiện sau 10 phút đến 3 giờ sau khi ăn:
• Tê và cảm giác châm chích quanh miệng, mặt, tay chân
• Khó nuốt, khó thở
• Chóng mặt, đau đầu
• Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy
• Trường hợp nặng có thể dẫn đến liệt và suy hô hấp, thậm chí tử vong
Theo rnz.co.nz – Noo Thuyen