// //]]> Ukraine và Mỹ ký thỏa thuận khoáng sản hiếm sau hai tháng trì hoãn

Breaking

Ukraine và Mỹ ký thỏa thuận khoáng sản hiếm sau hai tháng trì hoãn

Hoa Kỳ và Ukraine đã chính thức ký kết một thỏa thuận khoáng sản hiếm, sau hai tháng trì hoãn, đánh dấu một hình thức cam kết mới từ chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với Kyiv, trong bối cảnh viện trợ quân sự bị chấm dứt.

Ảnh lưu trữ. Tổng thống Ukraine Zelensky gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Vatican vào tuần trước trước lễ tang của Giáo hoàng.Ảnh lưu trữ. Tổng thống Ukraine Zelensky gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Vatican vào tuần trước trước lễ tang của Giáo hoàng. Ảnh: Phủ Tổng thống Ukraine

Phía Ukraine cho biết, sau quá trình đàm phán kéo dài, nước này đã đạt được các lợi ích then chốt, bao gồm chủ quyền hoàn toàn đối với tài nguyên khoáng sản hiếm, vốn rất quan trọng cho công nghệ hiện đại và phần lớn vẫn chưa được khai thác.

Ban đầu, ông Trump yêu cầu được chia phần tài nguyên khoáng sản như một hình thức bù đắp cho hàng tỷ đô la vũ khí mà Mỹ đã viện trợ dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hơn ba năm trước.

Sau những do dự ban đầu, Ukraine đã chấp nhận ký kết hiệp định khoáng sản như một bước đi chiến lược nhằm thu hút đầu tư dài hạn từ Mỹ, khi Trump đang nỗ lực cắt giảm mạnh các cam kết an ninh toàn cầu của Washington.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết tại lễ ký kết ở Washington rằng thỏa thuận này thể hiện rõ cam kết của cả hai phía trong việc thúc đẩy “hòa bình và thịnh vượng lâu dài” tại Ukraine.

“Thỏa thuận này gửi thông điệp rõ ràng tới Nga rằng chính quyền Trump cam kết ủng hộ tiến trình hòa bình lấy Ukraine tự do, có chủ quyền và thịnh vượng làm trung tâm,” ông nói.

“Không quốc gia hay cá nhân nào từng tài trợ hoặc cung cấp vũ khí cho cỗ máy chiến tranh của Nga sẽ được hưởng lợi từ quá trình tái thiết Ukraine.”

Tại Kyiv, Thủ tướng Denys Shmygal khẳng định trên truyền hình quốc gia rằng thỏa thuận này là “công bằng, bình đẳng và có lợi.”

Trên Telegram, ông cho biết Ukraine và Mỹ sẽ thành lập Quỹ Đầu tư Tái thiết, với quyền biểu quyết chia đều 50-50.

“Ukraine giữ toàn quyền kiểm soát với tài nguyên dưới lòng đất, hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên của mình,” Shmygal nhấn mạnh.

Đáp ứng mối lo lớn của Ukraine, ông cũng khẳng định nước này không phải hoàn trả khoản ‘nợ’ từ vũ khí và hỗ trợ mà Mỹ đã cung cấp kể từ tháng 2/2022.

“Lợi nhuận từ quỹ sẽ được tái đầu tư hoàn toàn tại Ukraine,” ông nói.

Ban đầu, Trump từng yêu cầu 500 tỷ đô giá trị tài nguyên, gấp 4 lần tổng viện trợ Mỹ cho Ukraine kể từ khi chiến tranh nổ ra.

Mỹ hiện diện để ngăn "các thế lực xấu"

Dù bác bỏ bảo đảm an ninh và mong muốn gia nhập NATO của Ukraine, ông Trump vẫn khẳng định rằng sự hiện diện của Mỹ tại khu vực khai thác sẽ giúp ngăn chặn các thế lực xấu.

“Tôi tin rằng sự hiện diện của người Mỹ sẽ giúp đẩy lùi những kẻ gây rối khỏi khu vực chúng ta đang khai thác,” ông nói tại cuộc họp nội các.

Ngoại trưởng Marco Rubio cảnh báo hôm thứ Ba rằng Mỹ có thể sẽ rút khỏi vai trò hòa giải nếu hai bên không đưa ra “đề xuất cụ thể” cho tiến trình hòa bình – một trong những cam kết mà Trump từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử.

Trump đang thúc ép một thỏa thuận trong đó Ukraine sẽ từ bỏ một phần lãnh thổ bị Nga chiếm đóng, điều mà Moscow vẫn từ chối dù đã có lời kêu gọi ngừng bắn ít nhất 30 ngày.

Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ không nhượng lại Crimea, bán đảo bị Nga sáp nhập năm 2014 – điều bị cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ.

Tuy nhiên, Zelensky cũng cố gắng ủng hộ nỗ lực ngoại giao của Trump, sau cuộc gặp thảm họa ngày 28/2 tại Nhà Trắng, nơi ông bị Trump và Phó Tổng thống JD Vance chỉ trích nặng nề vì "vô ơn".

Zelensky từng được kỳ vọng sẽ ký thỏa thuận tại Nhà Trắng, nhưng bị yêu cầu rời đi ngay sau cuộc tranh cãi trên sóng truyền hình.

Ukraine – nguồn tài nguyên khoáng sản lớn của châu Âu

Theo ước tính, Ukraine chiếm khoảng 5% trữ lượng khoáng sản và đất hiếm toàn cầu. Tuy nhiên, phần lớn vẫn chưa được khai thác và một số mỏ hiện nằm trong khu vực bị Nga kiểm soát.

Đáng chú ý, Ukraine sở hữu khoảng 20% trữ lượng graphite toàn cầu – vật liệu thiết yếu cho pin điện. Ngoài ra, nước này còn là nhà sản xuất lớn các nguyên tố như mangan, titan và sở hữu trữ lượng lithium lớn nhất châu Âu.

Hiện Nga đang kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, sau hơn ba năm xung đột ác liệt khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, bao gồm cả dân thường.

Tuần qua, Ukraine đã bất ngờ tiến hành một cuộc tấn công vào vùng Kursk của Nga, nhưng Moscow tuyên bố đã hoàn toàn đẩy lui lực lượng Ukraine. Nga cho biết 288 dân thường thiệt mạng trong cuộc đột kích này.

Theo rnz.co.nz – Khoa Tran

Previous Post
Previous Post Next Post

Du lịch

Rao vặt New Zealand

Thông tin Rao Vặt Người Việt tại New Zealand.

Tạo tài khoản ngay