// //]]> Người phụ nữ Auckland cảnh báo việc nhiễm toxoplasmosis dẫn đến thai chết lưu

Breaking

Người phụ nữ Auckland cảnh báo việc nhiễm toxoplasmosis dẫn đến thai chết lưu

Một phụ nữ ở Auckland bị thai lưu ở tuần thứ 31 do nhiễm toxoplasmosis đang kêu gọi nâng cao nhận thức hơn về bệnh nhiễm trùng này.

Hầu hết những người bị nhiễm toxoplasmosis không có bất kỳ triệu chứng nào.

Sarah* bắt đầu cảm thấy đau ở vị trí gần gan khi cô mang thai từ tuần 24 đến 25. Nhưng nữ hộ sinh nói với cô rằng cảm giác đau là bình thường khi mang thai.

Hai tuần sau, cơn đau trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Bác sĩ gia đình đã giới thiệu cô ấy đi siêu âm nhưng không tìm thấy gì bất thường.

Sarah đi siêu âm sau khi trải qua cơn đau trong thai kỳ. Kết quả xét nghiệm không phát hiện ra bất thường gì. Ảnh: 123RF

Sau đó, cô đến khoa cấp cứu và xét nghiệm máu cho kết quả cô bị tăng men gan.

Các xét nghiệm thường quy được thực hiện để sàng lọc và kiểm tra chức năng gan, bao gồm xét nghiệm viêm gan, đều âm tính.

Việc mang thai của cô chưa được đánh giá vào thời điểm đó.

Ba tuần sau, khi Sarah mang thai được 30 tuần, cô bị vỡ ối và phải quay lại khoa cấp cứu.

Lần đầu tiên, cô được gặp chuyên gia về sản khoa, bác sĩ đã nói với Sarah - dựa trên thông tin Sarah đã cung cấp, xét nghiệm máu và siêu âm - có hai khả năng. Đầu tiên là viêm gan do toxoplasmosis, và thứ hai là nhiễm cytomegalovirus (CMV), có các triệu chứng tương tự.

Tuy nhiên, lúc này đã quá muộn.

Hai ngày sau, Sarah sinh ra một đứa bé đã chết.

Kết quả khám nghiệm tử thi xác nhận sự hiện diện của toxoplasma gondii - loại ký sinh trùng gây bệnh toxoplasmosis - trong não, phổi và nhau thai của thai nhi. Thai nhi có gan và lách to – là dấu hiệu của toxoplasmosis bẩm sinh.

Chuyên gia sản khoa nói với Sarah rằng nếu toxoplasmosis được phát hiện sớm trong thai kỳ, bệnh có thể điều trị bằng kháng sinh và thuốc kháng ký sinh trùng để giảm nguy cơ lây truyền sang thai nhi. Về sau, nếu thai nhi cũng bị nhiễm toxoplasmosis, thì sẽ thêm một kháng sinh khác và một thuốc kháng ký sinh trùng khác vào phác đồ điều trị để cố gắng giảm thiểu ảnh hưởng lên thai nhi.

"Trong trường hợp của bà, với mức độ nặng nề của những tác động đối với thai nhi, việc điều trị không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào cả, nhưng đáng tiếc là chúng tôi sẽ không bao giờ có thể xác định được điều này" 

Hiện tại, Sarah muốn nâng cao nhận thức về nguy cơ nhiễm toxoplasmosis trong thời kỳ mang thai.

Cô chia sẻ: “Tôi đã trải qua việc mà tôi hy vọng không ai trên trái đất này phải trải qua lần nữa”.

"Ngay cả khi nó không phải là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh, thì cũng không ai phải chịu đựng những gì lẽ ra có thể dự phòng được.

“Xin đừng để thêm một em bé New Zealand nào chết vì bệnh toxoplasmosis nữa.”

Ở Áo, Bỉ, Pháp, Hy Lạp, Slovakia và Slovenia, phụ nữ mang thai phải làm xét nghiệm máu toxoplasma hàng tháng. Tại New Zealand, toxoplasmosis không được xét nghiệm thường quy trong thai kỳ.

Tiến sĩ Michelle Wise, bác sĩ sản phụ khoa, đồng thời là giảng viên cao cấp Ngành Khoa học Y tế và Sức khỏe tại Đại học Auckland, giải thích điều này là do tỷ lệ nhiễm toxoplasmosis trong thời kỳ mang thai ở New Zealand là rất hiếm.

“Có một số quốc gia trên thế giới có thể tiến hành sàng lọc định kỳ, là do nó phổ biến hơn ở một số quốc gia khác”.

Bà nói, tất cả các bác sĩ sản phụ khoa đều đã học về tất cả các bệnh truyền nhiễm trong thời kỳ mang thai, dù hiếm gặp hay phổ biến.

"Nếu có một số triệu chứng, chúng tôi sẽ đề nghị sàng lọc, chẳng hạn như nếu bà mẹ có các triệu chứng liên quan đến bệnh toxoplasmosis."

Bộ Y tế New Zealand cho biết quốc gia của họ không có dữ liệu về tỷ lệ nhiễm, vì  toxoplasmosis không phải là bệnh phải báo cáo.

Các triệu chứng của toxoplasmosis cấp tính là sốt, mệt mỏi, đau cơ, sưng hạch bạch huyết và đau họng. Nhưng Sarah không có bất kỳ triệu chứng nào trong số này - thay vào đó cô cảm thấy đau.

Wise nói: “Đau thường không phải là triệu chứng điển hình của toxoplasmosis.”

Một người có thể bị nhiễm toxoplasmosis thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với phân mèo, hoặc đất, nước, nguyên liệu thực vật và thức ăn bị ô nhiễm. (ảnh tập tin) Ảnh: Bapt

Bộ Y tế cho biết các nữ hộ sinh cũng tư vấn về toxoplasmosis với khách hàng của họ, phổ biến nhất là lần thăm khám đầu tiên, tư vấn về an toàn thực phẩm như tránh các bệnh lây qua đường ăn uống.

Giám đốc chuyên môn sản khoa - Heather Muriwai cho biết Bộ Y tế in những tờ bướm về an toàn thực phẩm như một phần của thông tin tiêu chuẩn được chia sẻ trong quá trình chăm sóc trước sinh, để các nữ hộ sinh và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc thai sản khác, cũng như công chúng, đặt mua từ HealthEd.

Bà nói: “Bạn có thể nhiễm toxoplasmosis do ăn thịt sống hoặc chưa nấu chin, hoặc thông qua tiếp xúc với phân mèo nhiễm bệnh”.

"Nếu bạn đang mang thai và nghĩ rằng mình có thể bị nhiễm toxoplasmosis, hãy trao đổi với người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn."

Toxoplasmosis là gì?

Toxoplasmosis là một bệnh do nhiễm ký sinh trùng có tên là toxoplasma gondii.

Trên toàn thế giới, ước tính có tới 1/3 số người bị nhiễm Toxoplasma gondii nhưng không có triệu chứng.

Một người có thể bị nhiễm toxoplasmosis thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với phân mèo, hoặc đất, nước, nguyên liệu thực vật và thức ăn bị ô nhiễm.

Nhiễm trùng cấp tính thường chỉ xảy ra một lần trong đời, sau đó là khả năng miễn dịch suốt đời. Mặc dù ký sinh trùng tồn tại vĩnh viễn trong cơ thể, nhưng nó thường bị bất hoạt nếu hệ thống miễn dịch không suy giảm.

Mặc dù không có vắc-xin phòng bệnh nhưng vẫn có các biện pháp phòng ngừa khác để giảm nguy cơ nhiễm bệnh, như không ăn thịt sống hoặc chưa nấu chín, không uống sữa chưa tiệt trùng, rửa kỹ trái cây và rau củ, nhờ người khác dọn khay vệ sinh cho mèo - hoặc đeo găng tay khi xử lý đất hoặc cát.

* Tên thật được giữ kín để bảo mật

Theo rnz.co.nz - Pepper

Previous Post
Previous Post Next Post

Du lịch

Rao vặt New Zealand

Thông tin Rao Vặt Người Việt tại New Zealand.

Tạo tài khoản ngay