Một hiệu trưởng tại Hamilton cho biết, dịch vụ điểm danh học sinh ở địa phương ông có thể sẽ sử dụng nguồn tăng ngân sách từ chính phủ để hỗ trợ giảm nghèo cho các gia đình học sinh.

Thứ Tư vừa qua, Bộ trưởng Giáo dục phụ trách – ông David Seymour – công bố rằng ngân sách sắp tới sẽ tăng chi tiêu cho công tác chống trốn học lên khoảng 50%, bao gồm việc đầu tư cho các dịch vụ tiền tuyến, hệ thống quản lý hồ sơ mới và giám sát dữ liệu tốt hơn.
Ông Nathan Leith, hiệu trưởng trường Berkley Normal Middle School, cho biết nhóm các trường tại Hamilton (thuộc chương trình Kāhui Ako) đã tự vận hành hệ thống điểm danh suốt 5 năm và từng lo lắng về nguồn tài trợ sau khi năm nay kết thúc.
“Chúng tôi luôn cần thêm nguồn lực, nên tôi nghĩ việc phân bổ ngân sách lần này là rất tích cực,” ông nói.
Nguồn lực mới có thể giúp giải quyết nghèo đói học đường
Ông Leith chia sẻ rằng nếu được tăng ngân sách, nhóm trường của ông có thể hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn vì nghèo đói – nguyên nhân chính khiến học sinh vắng mặt.
“Nhiều gia đình đang đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng… nhưng chúng tôi không có đủ nguồn lực để giúp họ – chủ yếu liên quan đến nghèo đói, bữa trưa học sinh, đồng phục,… những thứ ngăn cản trẻ đến trường,” ông nói.
“Nguồn tài trợ mới có thể giúp chúng tôi hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu như đồng phục hay thực phẩm – không phải giải pháp dài hạn, nhưng là biện pháp kịp thời để đưa học sinh quay trở lại lớp học.”
Theo thông báo từ Bộ Giáo dục, gói ngân sách mới dành cho công tác điểm danh sẽ đạt 140 triệu đô trong vòng 4 năm.
Hiện tại, chính phủ đã chi khoảng 32 triệu đô/năm cho các dịch vụ điểm danh và sĩ quan chuyên trách làm việc với học sinh bỏ học hoặc vắng mặt hơn 30% thời gian học – được xếp loại là "vắng mặt mãn tính".
Thay đổi lớn trong mô hình điểm danh quốc gia
Bộ Giáo dục thông báo sẽ mở thầu lại các hợp đồng dịch vụ điểm danh vào giữa năm nay, và chuyển khoảng 9 triệu đô – hiện đang chi cho 82 sĩ quan điểm danh – trực tiếp sang các nhà cung cấp dịch vụ.
“Theo mô hình mới, các trường có thể giới thiệu học sinh vắng mặt mãn tính cho nhà cung cấp dịch vụ để nhận hỗ trợ thêm,” Bộ cho biết.
Các trường có tỷ lệ vắng mặt cao nhất cũng sẽ được đăng ký xin thêm kinh phí để tự triển khai các biện pháp hỗ trợ. Tất cả học sinh không đăng ký nhập học sẽ được chuyển đến dịch vụ điểm danh chuyên biệt.
Ông David Seymour cho biết sẽ có khoảng 80 nhà cung cấp dịch vụ và 170 trường có tỷ lệ trốn học nghiêm trọng nhất sẽ được phân bổ nhân sự chuyên trách.
“Điều quan trọng nhất là nơi nào cần nhiều hơn thì được cấp nhiều hơn,” ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, từ đầu năm tới, mọi trường sẽ phải có kế hoạch quản lý việc điểm danh học sinh. Cha mẹ của học sinh trốn học có thể bị phạt, nhưng Seymour cho biết hình phạt sẽ không được sử dụng phổ biến.
Giải pháp từ thực tiễn – không chỉ từ hệ thống
Seymour chia sẻ đã gặp nhiều người tận tụy làm việc với học sinh trốn học – “những anh hùng thầm lặng” như Philippa tại trường Freyberg, người đã tổng hợp dữ liệu điểm danh của học sinh lớp 9 mới vào để phát hiện sớm nguy cơ.
Ông cho biết nguyên nhân học sinh trốn học rất đa dạng: từ học sinh mất căn bản, xấu hổ quay lại trường, đến cha mẹ cho con nghỉ học để săn vé máy bay rẻ, hay giữ em do điều kiện kinh tế.
“Cần xem xét từng trường hợp cụ thể và gỡ từng rào cản,” Seymour nói.
Văn phòng Đánh giá Giáo dục (ERO) cũng từng báo cáo hệ thống điểm danh hiện tại thiếu kinh phí nghiêm trọng và cần được cải tổ. Các tài liệu thu được theo Đạo luật Thông tin cho thấy hệ thống gặp hàng loạt khó khăn như trường không hợp tác hoặc phần mềm khó sử dụng.
Theo rnz.co.nz – Khoa Tran