Cuộc chiến thuế quan của cựu Tổng thống Donald Trump từng nhắm vào nhiều mặt hàng nhập khẩu như rượu vang châu Âu, phụ tùng ô tô từ Mexico và các bộ phim sản xuất ở nước ngoài. Gần đây, mục tiêu tiếp theo được ông Trump đưa vào tầm ngắm là: búp bê đồ chơi.
Trump tuyên bố rằng trẻ em sẽ ổn nếu chỉ có 2 đến 5 búp bê thay vì 30, trong bối cảnh thuế nhập khẩu có thể khiến giá đồ chơi tăng. Phát ngôn này lập tức làm dậy sóng mạng xã hội, với nhiều meme chế ông Trump thành nhân vật “Grinch” (kẻ phá hoại Giáng sinh), và hình ảnh con trai ông — Barron Trump — từng ngồi trên chiếc xe ô tô đồ chơi sang trọng.
“Hoàn toàn xa rời thực tế,” – CEO Jonathan Cathey của công ty đồ chơi The Loyal Subjects (Los Angeles), đơn vị sản xuất búp bê Strawberry Shortcake và Rainbow Brite, viết trên LinkedIn. “Nếu đây không phải là phiên bản thời hiện đại của câu nói ‘Hãy để họ ăn bánh’ thì tôi không biết là gì nữa. Búp bê giờ đây đang trở thành biểu tượng bi thương cho sự phi lý của cuộc chiến thương mại này.”
Ngành đồ chơi Mỹ chịu áp lực lớn từ thuế nhập khẩu
Phát ngôn của ông Trump không chỉ khiến nhiều phụ huynh tức giận mà còn làm dấy lên mối lo trong ngành công nghiệp đồ chơi. Gần 80% đồ chơi bán tại Mỹ được sản xuất từ Trung Quốc.
Hiệp hội Đồ chơi Hoa Kỳ (Toy Association) đã vận động mạnh mẽ để chính quyền Mỹ xem xét lại mức thuế 145% mà ông Trump áp đặt lên hàng hóa từ Trung Quốc. Một số công ty cảnh báo rằng tình trạng khan hàng mùa lễ hội có thể xảy ra nếu thuế không được hạ trong thời gian tới.
Thị trường búp bê tại Mỹ trị giá bao nhiêu?
Theo công ty nghiên cứu thị trường Circana, doanh thu từ búp bê tại Mỹ trong năm 2024 đạt 2,7 tỷ USD (khoảng 4,5 tỷ NZD) – giảm nhẹ so với 2,9 tỷ USD năm 2023 và 3,4 tỷ USD vào năm 2019. Trong giai đoạn đại dịch, người tiêu dùng chi tiêu mạnh cho đồ chơi, nhưng xu hướng này suy giảm khi lạm phát tăng cao.
Ngoài ra, sự quan tâm ngày càng lớn của bé gái đối với mỹ phẩm và chăm sóc da cũng là nguyên nhân khiến nhu cầu mua búp bê giảm.
Các công ty đồ chơi xoay xở ra sao trước thuế quan?
Mattel, hãng đồ chơi lớn nhất nước Mỹ, thông báo sẽ phải tăng giá bán một số sản phẩm để bù đắp chi phí thuế. Họ cũng đang đẩy nhanh việc đa dạng hóa sản xuất ra ngoài Trung Quốc.
Tuy nhiên, các công ty nhỏ hơn như The Loyal Subjects gặp khó khăn hơn. CEO Cathey cho biết ông đã tạm dừng việc xuất hàng từ Trung Quốc vì không thể chịu nổi chi phí thuế “trên trời”. Với lượng hàng chỉ đủ bán trong khoảng 4 tháng, ông cảnh báo khả năng cung ứng cho mùa Giáng sinh năm nay phụ thuộc hoàn toàn vào việc căng thẳng thương mại có được gỡ bỏ trong vài tuần tới hay không.
Cepia, công ty nổi tiếng với dòng đồ chơi Zhu Zhu Pets, đang gặp khó khi không thể chuyển kịp đơn hàng sang nơi sản xuất mới cho dòng búp bê Decora Girlz.
"Tôi ủng hộ ông Trump, nhưng giờ hãy chốt thỏa thuận đi. Ông ấy đang làm gián đoạn cả mùa Giáng sinh," – CEO James Russell Hornsby nói.

Vì sao búp bê không thể dễ dàng sản xuất tại Mỹ?
Từ lâu, búp bê American Girl đã được sản xuất tại Đức và sau đó là Trung Quốc, chưa bao giờ "Made in USA". Nguyên nhân chính là chi phí rẻ hơn và tay nghề chuyên môn cao tại Trung Quốc, đặc biệt trong các công đoạn gắn tóc giả, in khuôn mặt, vốn yêu cầu kỹ thuật tỉ mỉ.
“Không có nhà máy nào ở Mỹ có khả năng sản xuất tóc búp bê dạng cấy chân tóc. Chưa kể đến các công đoạn tinh xảo như vẽ mặt búp bê,” – James Zahn, tổng biên tập tạp chí chuyên ngành The Toy Book, chia sẻ.
Đồ chơi Trung Quốc có an toàn không?
Ông Stephen Miller, Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng, gần đây nói rằng người tiêu dùng nên trả thêm tiền cho hàng Mỹ vì lo ngại sơn chì từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo bà Teresa Murray – Giám đốc nhóm giám sát tiêu dùng thuộc US PIRG, mọi đồ chơi bán tại Mỹ đều phải vượt qua kiểm định nghiêm ngặt, bất kể xuất xứ. Những thương hiệu lớn như Mattel, Hasbro, Lego hầu như luôn đạt chuẩn.
Dù vậy, việc mua hàng giá rẻ từ các nền tảng thương mại điện tử quốc tế (với giá trị dưới 800 USD) từng giúp nhiều hàng hóa tránh bị đánh thuế và kiểm tra, gây lo ngại về an toàn. Mới đây, Nhà Trắng đã chấm dứt đặc quyền này từ ngày 2/5, giúp tăng cường kiểm soát.
Trẻ em có thực sự cần nhiều búp bê đến vậy?
Một bộ phận người Mỹ đồng ý rằng nền văn hóa tiêu dùng đang đi quá xa, được thúc đẩy bởi giá rẻ từ lao động nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh phản đối cách ông Trump phát biểu đầy thờ ơ.
“Trẻ em không cần 30 búp bê, nhưng cha mẹ xứng đáng có quyền lựa chọn,” – Katie Walley-Wiegert, một bà mẹ 38 tuổi ở Virginia nói.
Elenor Mak, người sáng lập thương hiệu búp bê Jilly Bing cho biết, phát ngôn của ông Trump gây tổn thương, nhất là với những gia đình nghèo vốn đã khó mua được một món đồ chơi cho con.
“Chiến tranh thương mại chỉ khiến mọi thứ càng trở nên bất khả thi hơn đối với họ,” – bà Mak chia sẻ.
Theo 1news.co.nz – Noo Thuyen