// //]]> Chính sách Working for Families thay đổi, người dân lo mất trợ cấp

Breaking

Chính sách Working for Families thay đổi, người dân lo mất trợ cấp

Một tổ chức đại diện cho các cố vấn tài chính trên khắp New Zealand đang bày tỏ lo ngại rằng những thay đổi được đề xuất đối với chương trình Working for Families (WFF) có thể khiến một số hộ gia đình rơi vào tình cảnh khó khăn hơn.

Thuế GST là một công cụ rất hiệu quả giúp chính phủ dễ dàng huy động một lượng tiền lớn.Thuế GST là một công cụ rất hiệu quả giúp chính phủ dễ dàng huy động một lượng tiền lớn. (Nguồn: istock.com)

Trong Kế hoạch Ngân sách mới nhất, chính phủ tuyên bố sẽ xem xét các phương án nhằm giảm thiểu tình trạng nợ nần do nhận trợ cấp WFF vượt mức. Trong năm 2022, chỉ 24% các hộ gia đình nhận WFF hàng tuần hoặc hai tuần một lần và được quyết toán cuối năm bởi Cục Thuế IRD là nhận đúng số tiền đáng lẽ được cấp.

Phần lớn các trường hợp phát sinh nợ là do người nhận kiếm được nhiều hơn dự kiến, dẫn đến việc bị thu hồi lại khoản trợ cấp đã nhận quá mức, gây áp lực tài chính lớn cho họ. Tổng số nợ do WFF hiện vào khoảng 300 triệu đô la New Zealand.

Đề xuất đánh giá theo quý – có thực sự công bằng?

Chính phủ đã công bố một tài liệu thảo luận kèm theo lời mời góp ý kiến công chúng. Theo đó, phương án được xem xét là đánh giá mức độ đủ điều kiện nhận WFF theo quý, thay vì theo năm như hiện nay. Điều này giúp điều chỉnh các khoản thanh toán một cách thường xuyên hơn, từ đó tránh tình trạng nợ phát sinh do thu nhập biến động.

Tuy nhiên, bà Fleur Howard, Giám đốc điều hành của FinCap – tổ chức hỗ trợ cố vấn tài chính – bày tỏ lo ngại rằng một số gia đình có thể không nhận đủ số tiền cần thiết để duy trì cuộc sống hằng tuần nếu cơ chế mới được áp dụng nguyên trạng.

Bà cho biết việc đánh giá theo quý là một bước cải tiến, nhưng cần được tinh chỉnh kỹ lưỡng hơn.

“Thiết kế hiện tại dường như phù hợp với một số hoàn cảnh gia đình, nhưng có thể tạo ra tác động tiêu cực không cân xứng đối với những người đang sống trong bất ổn tài chính,” bà nói.

Gia đình dễ tổn thương có thể chịu thiệt trong quý thu nhập thấp

Theo dữ liệu nội bộ của FinCap, hầu hết khách hàng tìm đến cố vấn tài chính đều bị thâm hụt ngân sách hàng tuần, ngay cả sau khi đã nhận trợ giúp. Nhiều người phải vay nợ để chi trả những nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, điện nước, nhà ở.

“Sự hỗ trợ hiện tại của chính phủ không đủ để đáp ứng chi phí sinh hoạt thực tế,” bà Howard nhận định. “Một số thay đổi đề xuất có thể khiến tình trạng thiếu hụt thu nhập trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt là với những gia đình cần số tiền đó hàng tuần để sống sót.”

Một ví dụ trong tài liệu thảo luận đã minh họa tình huống rủi ro: Một người mẹ đơn thân nhận trợ cấp nhưng đi làm thêm trong thời gian ngắn, sau đó nghỉ việc. Dù đã thất nghiệp trở lại, trong quý kế tiếp, tiền trợ cấp WFF vẫn bị giảm 130 NZD/tuần, do tính theo mức thu nhập quý trước.

“Cơ chế tính theo thu nhập ‘trễ’ tuy giúp tăng độ chính xác, nhưng lại tiềm ẩn rủi ro lớn với phúc lợi và khả năng hòa nhập xã hội của người dân,” Howard nói.

Bà cũng lo ngại về tình huống người mất việc, nhưng do cơ chế tính lùi, phải chờ đến quý sau mới được điều chỉnh, gây khó khăn nghiêm trọng trong thời điểm họ cần tiền nhất.

Đề xuất cải tiến: Tính toán dựa trên thu nhập “tương lai”

Một giải pháp được FinCap đề xuất là: thay vì tính toán dựa trên thu nhập đã qua của quý trước, hãy sử dụng ước lượng thu nhập “tương lai” trong quý hiện tại. Điều này sẽ giúp các gia đình có thu nhập dao động nhận được khoản trợ cấp kịp thời hơn, phản ánh đúng tình hình thực tế.

Theo 1news.co.nz – Khoa Tran

Previous Post
Previous Post Next Post

Du lịch

Rao vặt New Zealand

Thông tin Rao Vặt Người Việt tại New Zealand.

Tạo tài khoản ngay