Một người New Zealand – Rob McCallum – đã cảnh báo từ sớm về rủi ro nghiêm trọng liên quan đến tàu ngầm Titan của OceanGate, chiếc tàu đã phát nổ khi đang trên đường tới xác tàu Titanic năm 2023, khiến 5 người thiệt mạng.
Ông cho biết thảm kịch này là điều ông và các chuyên gia trong ngành đã dự đoán từ lâu.

Thảm kịch Titan năm 2023: Dự báo đã trở thành hiện thực
Ngày 18/6/2023, tàu ngầm Titan do công ty du lịch OceanGate (Mỹ) vận hành đã phát nổ chỉ 90 phút sau khi bắt đầu hành trình lặn sâu gần 3.800 mét tới xác tàu Titanic dưới đáy Đại Tây Dương. Vụ tai nạn khiến tất cả 5 người trên tàu, bao gồm CEO OceanGate là Stockton Rush, tử vong.
Rob McCallum, nhà thám hiểm người New Zealand và là giám đốc công ty EYOS Expeditions – đơn vị đã tổ chức khoảng 1.800 chuyến thám hiểm toàn cầu – từng gửi email cảnh báo OceanGate từ năm 2018 về thiết kế nguy hiểm của Titan, đặc biệt là việc sử dụng vật liệu composite như sợi carbon kết hợp với titanium.
“Tôi biết ngay đó là một vụ nổ”
McCallum nói ông cảm thấy buồn nôn khi nghe tin vụ việc, nhưng không bất ngờ. “Khi nhận được cuộc gọi báo tin tàu Titan biến mất, tôi biết ngay đó là một vụ nổ. Những tin tức xoay quanh việc đếm ngược lượng oxy sau đó hoàn toàn vô lý – và theo một cách nào đó, tôi thấy nhẹ nhõm vì họ chết ngay lập tức thay vì chết vì thiếu oxy."

Titan được làm từ vật liệu không phù hợp
Tàu Titan được chế tạo từ sợi carbon – vật liệu chưa từng được sử dụng cho tàu ngầm lặn sâu vì đặc tính không đồng nhất. McCallum giải thích: “Tất cả tàu ngầm mà chúng tôi sử dụng đều làm từ thép hoặc titanium vì đây là những vật liệu đồng nhất – dễ tính toán ứng suất, áp suất và điểm gãy. Với sợi carbon, điều đó là không thể.”
Ông cũng nhấn mạnh rằng Titan là tàu ngầm không được phân loại (unclassed) – tức không được bất kỳ tổ chức độc lập nào chứng nhận an toàn, điều vốn là yêu cầu bắt buộc trong ngành.

Ngừng hợp tác vì OceanGate từ chối kiểm định an toàn
McCallum từng cộng tác với OceanGate từ năm 2009 và hỗ trợ tư vấn khi công ty mới thành lập. Tuy nhiên, đến năm 2016, khi CEO Stockton Rush tuyên bố sẽ không xây dựng tàu ngầm được phân loại mà chọn hướng “thử nghiệm độc lập, không giám sát bên thứ ba”, ông quyết định ngừng liên hệ.
Ông cũng cho biết có 6 tổ chức chứng nhận tàu ngầm uy tín toàn cầu, và việc đưa họ vào quá trình kiểm định ngay từ đầu sẽ khiến chi phí xây dựng tăng thêm 25–30% – điều mà OceanGate không thể đáp ứng, nên họ chọn cách "lách luật" bằng cách đăng ký công ty ở Bahamas và thử nghiệm tàu ngoài vùng kiểm soát của Hoa Kỳ.
Hệ thống kiểm tra vỏ tàu "nực cười"
McCallum chỉ trích OceanGate vì đã sử dụng một hệ thống cảm biến để nghe tiếng nứt vỡ của vỏ tàu nhằm đo độ an toàn – một cách làm mà ông cho là “vô lý và cực kỳ nguy hiểm”.
“Khi bạn phải lắng nghe tiếng vỏ tàu kêu răng rắc, tức là bạn đã đứng quá sát ranh giới sinh tử rồi,” ông nói.
Cảnh báo nhiều lần nhưng bị phớt lờ
McCallum từng nhiều lần gửi email cảnh báo Stockton Rush về các sai sót kỹ thuật và phương pháp tiếp cận sai lầm, nhưng mọi lời khuyên đều bị từ chối. “Tôi cố giữ sự chuyên nghiệp để duy trì đối thoại, vì tôi nghĩ rằng chừng nào còn nói chuyện được, vẫn còn cơ hội thay đổi.”
Ai chịu trách nhiệm?
McCallum cho rằng Stockton Rush phải chịu trách nhiệm chính với tư cách là người sáng lập, CEO và người cấp vốn cho dự án. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng những kỹ sư và người trong nội bộ công ty – những người tiếp tay, im lặng hoặc thiếu năng lực để phản đối – cũng phải bị xem xét trách nhiệm.
“Không có hội đồng quản trị đúng nghĩa, không ai có quyền nói 'dừng lại' – đó là một thất bại toàn diện về quản trị và đạo đức kỹ thuật.”
Nhiều "quả bom nổ chậm" trước thảm họa
McCallum cho biết, thiết kế tàu từ sợi carbon ghép với nắp titanium là “một quả bom hẹn giờ”. Ngoài ra, mọi mẫu thử nghiệm trước đó đều thất bại trước khi đạt được giới hạn dự đoán. Thậm chí, mẫu Titan cuối cùng từng phát ra tiếng nổ lớn trong chuyến lặn thứ 80 – một năm trước vụ nổ.
Theo rnz.co.nz – Khoa Tran