Một người phụ nữ đã bị thương nghiêm trọng khi lan can ban công của một căn hộ cho thuê tại Wellington sập xuống — chỉ chưa đầy một giờ sau khi hợp đồng thuê bắt đầu.
Marama Te Kira kể lại: “Chị tôi chỉ mới tựa nhẹ vào lan can, thì đột nhiên cả đoạn lan can rơi xuống.”
“Tôi không biết liệu chị ấy có bị liệt hay thương tích đến mức nào.”
Chị gái của Te Kira đã ngã xuống lối đi bê tông phía dưới, va đập vào một chậu cây gỗ trước khi tiếp đất – kết quả chụp chiếu tại bệnh viện sau đó cho thấy cô bị gãy xương ức và bảy xương sườn.
“Chị vẫn còn tỉnh, nhưng rên rỉ vì đau đớn. Tôi chỉ biết lấy điện thoại gọi 111 ngay,” Te Kira nói.
Cô đã quyết định chấm dứt hợp đồng thuê trước khi xe cấp cứu đến và được hoàn lại một tuần tiền thuê nhà đã trả bằng tiền mặt trước đó vào chiều cùng ngày.
Chủ nhà phủ nhận nhà không an toàn, nói không có tiền sửa chữa
Chủ nhà, ông David Bradley, gọi vụ tai nạn là “sự cố khủng khiếp” nhưng phủ nhận rằng ban công hoặc tòa nhà có vấn đề về an toàn. Ông nói đã đóng đinh lan can trở lại chỗ cũ sau vụ việc.
Hội đồng thành phố sau đó đã kiểm tra và xác định ban công không đủ điều kiện để bị coi là “nguy hiểm” theo ngưỡng “rất cao” trong Đạo luật Xây dựng. Tuy nhiên, ông Bradley cho biết ông sẽ thực hiện yêu cầu của hội đồng để có một báo cáo kỹ sư đánh giá tình trạng ban công.
“Tôi sẽ làm, nhưng giờ tôi chẳng có đồng nào cả,” ông nói.
Ông Bradley – sở hữu tòa nhà ở khu Mount Cook từ năm 1983 và hiện sống tại một trong sáu căn hộ – cho biết ông chỉ còn 4 đô trong tài khoản ngân hàng và việc bảo trì thường xuyên là điều rất khó khăn với hoàn cảnh hiện tại.
Tuy vậy, ông không muốn bán nhà vì thị trường thuê nhà đang rất tệ và lo sợ cảnh vô gia cư.
“Nếu bán đi, tôi có được vài trăm ngàn, nhưng xài vài tháng là hết, rồi tôi sẽ phải ngủ vỉa hè ở Courtenay Place.”
Nhà cũ nát, nhưng người thuê vẫn phải chọn để tồn tại
Khi đến xem căn hộ một phòng ngủ vào buổi chiều hôm đó, Te Kira bắt đầu nghi ngờ về lựa chọn này. “Thảm thì bẩn, lò nướng thì hỏng,” cô nói. Ông Bradley hứa sẽ sửa lò “khi nào có tiền.”
“Nhưng với 300 đô mỗi tuần, tôi biết mình không thể tìm được chỗ nào khác,” Te Kira kể lại. “Tôi đã tìm suốt nhiều năm. Tôi cần thuê chỗ này để sống, có chỗ ở thì tôi mới đủ tiền mua đồ ăn.”
Cô còn tự an ủi rằng: “Dù sao cũng có cái ban công lớn và tầm nhìn như nhà triệu đô.”

Lịch sử dài các vấn đề tại căn hộ cho thuê này
Đây không phải lần đầu căn hộ gặp vấn đề. Vào tháng 10 năm ngoái, người thuê trước đó đã đưa ông Bradley ra Tòa Án Thuê Nhà sau khi phải sống hơn một năm với một cái lỗ to bằng cửa trong tường phòng ngủ – hậu quả từ dự án cải tạo dang dở. Ông Bradley định thay cửa sổ nhỏ bằng cửa kính nhưng hết tiền giữa chừng, và chỉ che tạm bằng cánh cửa lưới treo bằng dây.
Cái lỗ ấy là nguồn ánh sáng duy nhất cho căn phòng – vi phạm quy định yêu cầu phòng ngủ phải có cửa sổ.
Thẩm phán phiên tòa nhận xét: “Khoét một cái lỗ lớn trong tường phòng ngủ và để đó hơn một năm rưỡi là không đảm bảo bảo trì đúng quy định.”
Lò nướng thì hỏng suốt ba năm thuê, điều mà thẩm phán mô tả là “hành vi bất hợp pháp có chủ đích” vì chủ nhà biết lò không hoạt động.
Bradley còn nói ông không biết quy định phải nộp tiền đặt cọc thuê nhà (bond), và giờ không hoàn lại được vì đã tiêu mất.
Tòa xử chủ nhà phải trả 5500 đô vì nhiều vi phạm: 1000 đô cho lỗ tường, 800 đô cho lò hỏng, và 1000 đô cho việc không nộp bond.
Ông nói không đồng ý với phán quyết nhưng “muốn bỏ qua chuyện này.” Hiện ông vẫn nợ khoảng 3000 đô của người thuê cũ và đang trả dần từng chút một.
Chuyên gia kêu gọi cải cách hệ thống xử lý vi phạm thuê nhà
Luật sư Rupert O'Brien từ Community Law Aotearoa cho rằng hệ thống hiện tại quá phụ thuộc vào người thuê trong việc kiện tụng, vốn tốn kém và mất thời gian.
Chủ tịch Renters United, Zac Thomas, nói vụ việc cho thấy cần có mức phạt nghiêm khắc hơn và cơ chế thực thi hiệu quả hơn.
Nhóm điều tra vi phạm thuê nhà (TCIT) từng kiểm tra căn hộ sau khi nhận khiếu nại về cái lỗ trong tường, và chỉ yêu cầu “sửa chữa tạm thời” rồi đóng hồ sơ – quyết định sau này bị chỉ trích là chưa đủ sâu sát.
TCIT hiện sẽ liên hệ lại với ông Bradley sau khi biết về vụ tai nạn ban công, để đánh giá mức độ tuân thủ hiện tại tại bất động sản này.
Người bị thương đang hồi phục, người thuê cũ quay về nhà ở xã hội
Chị gái Te Kira đã xuất viện sau bốn ngày và phải phục hồi trong nhiều tháng.
Te Kira thì đã quay về căn hộ thuộc hệ thống nhà ở xã hội, nơi tiền thuê chiếm hơn nửa thu nhập của cô.
Trong những ngày sau vụ việc, cô đã gửi khiếu nại lên Hội đồng Thành phố Wellington, và đội kiểm tra xây dựng sau đó đã đến kiểm tra.
Người phát ngôn Richard Maclean cho biết lan can không bị coi là “nguy hiểm” theo luật hiện hành, vì ngưỡng đánh giá là “rất cao”. Tuy nhiên, họ đã yêu cầu ông Bradley cung cấp báo cáo kỹ sư xác nhận lan can tuân thủ Quy chuẩn Xây dựng.
Ông được phép có “một khoảng thời gian hợp lý” để nộp báo cáo này.
Theo 1news.co.nz – Khoa Tran