Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Canada lên 35%, theo một bức thư được gửi đến Thủ tướng Canada Mark Carney trong ngày hôm nay.

Động thái này làm gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia Bắc Mỹ và đe dọa mối quan hệ thương mại lâu đời của họ.
Đây là bước leo thang mạnh mẽ từ mức thuế 25% mà ông Trump áp dụng vào tháng 3, được cho là để gây áp lực buộc Canada phải kiểm soát tình trạng buôn lậu fentanyl – dù lượng buôn bán loại ma túy này từ Canada sang Mỹ được cho là khá khiêm tốn. Ông Trump cũng viện dẫn thâm hụt thương mại với Canada, chủ yếu do Mỹ mua dầu từ quốc gia láng giềng.
"Fentanyl không phải là vấn đề duy nhất chúng tôi gặp với Canada. Quốc gia này có rất nhiều rào cản thương mại, cả thuế quan lẫn phi thuế quan," ông Trump viết trong thư.
Thuế mới có hiệu lực từ 1/8, đẩy căng thẳng kinh tế lên cao
Mức thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8, tạo ra nhiều tuần bất ổn phía trước cho nền kinh tế toàn cầu. Chỉ số chứng khoán S&P 500 gần đây đã tăng, phản ánh kỳ vọng của giới đầu tư rằng Trump sẽ rút lại kế hoạch tăng thuế – điều giờ đây dường như không còn đúng.
Trong tuần này, nhiều quốc gia đã nhận thư áp thuế từ Mỹ, nhưng Canada – đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ sau Mexico – bị xem là mục tiêu chính của ông Trump. Canada đã từng áp thuế trả đũa đối với hàng hóa Mỹ và phản ứng gay gắt với những tuyên bố khiêu khích của ông Trump như việc muốn biến Canada thành bang thứ 51 của Mỹ.
Mexico cũng đối mặt với mức thuế 25% vì vấn đề fentanyl, nhưng không chịu áp lực công khai gay gắt như Canada.
Canada phản ứng: Tìm kiếm đối tác thương mại mới
Thủ tướng Mark Carney, nhậm chức vào tháng 4, đã đưa ra khẩu hiệu “giữ khuỷu tay cao” để khuyến khích Canada giữ lập trường cứng rắn trước Mỹ. Ông đang tích cực mở rộng quan hệ thương mại với EU và Vương quốc Anh, nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.
Chỉ vài giờ trước khi nhận thư của Trump, Carney đăng hình chụp với Thủ tướng Anh Keir Starmer trên mạng xã hội X, kèm theo thông điệp:
“Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đầy thách thức, thế giới đang tìm đến những đối tác kinh tế đáng tin cậy như Canada.”
Thông điệp này ngụ ý rằng chính sách thuế bất ổn của Mỹ đang khiến quốc gia này trở thành đối tác thiếu tin cậy.
Trong chuyến thăm Nhà Trắng hồi tháng 5, cuộc gặp giữa Trump và Carney tuy diễn ra hòa nhã nhưng ông Trump khẳng định không có gì có thể khiến ông dỡ bỏ thuế quan đối với Canada:
"Chuyện là vậy đấy," ông nói ngắn gọn.
Trump đẩy mạnh áp thuế toàn cầu, Canada là mục tiêu chính
Tính đến nay, Trump đã gửi thư áp thuế tới 23 quốc gia. Đáng chú ý là Brazil vừa bị áp mức thuế 50% do liên quan đến vụ xét xử cựu tổng thống Jair Bolsonaro, người bị cáo buộc tìm cách giữ quyền lực sau thất bại trong cuộc bầu cử năm 2022 – tương tự cáo buộc mà Trump đang đối mặt tại Mỹ.
Kế hoạch áp thuế của Trump ban đầu được công bố vào ngày 2 tháng 4 dưới tên gọi "Ngày Giải phóng" với mức thuế cơ bản 10%, nhưng sau đó ông thông báo sẽ bỏ mức 10% này và áp thuế cao hơn theo từng quốc gia.
“Tất cả quốc gia còn lại sẽ phải trả thuế – có thể là 20% hoặc 15%,” Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với NBC News.
Hiện tại, Trump đã đạt một số thỏa thuận thương mại với Vương quốc Anh, Việt Nam, và Trung Quốc (với mức thuế sau đàm phán là 55%, dù trước đó lên tới 145%).

Tác động đến USMCA và chính sách số hóa của Canada
Hiện vẫn chưa rõ mức thuế 35% mới này sẽ tương tác thế nào với Hiệp định Thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) mà Trump từng ký vào năm 2020. Theo thỏa thuận, một số mặt hàng được miễn thuế nhưng cuộc rà soát USMCA tiếp theo dự kiến diễn ra vào năm 2026.
Trump từng đình chỉ đàm phán thương mại với Canada vào tháng 6 vì nước này tiếp tục duy trì thuế dịch vụ kỹ thuật số ảnh hưởng đến các công ty công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Carney rút lại sắc thuế này, các cuộc đàm phán đã được nối lại.
Theo 1news.co.nz – Khoa Tran