Chắc hẳn bạn đã từng gặp những quảng cáo kêu gọi tìm kiếm "chuột bạch" - những người tình nguyện tham gia thử thuốc, nhằm hỗ trợ các bước đột phá trong nghiên cứu y khoa.
Nghiên cứu lâm sàng tại New Zealand đang tìm kiếm những tình nguyện viên để tham gia vào các thử nghiệm nhằm kiểm định tính an toàn và hiệu quả của các loại thuốc mới trước khi được đưa ra thị trường.
Những thử nghiệm này thường kèm theo khoản thanh toán có thể lên tới hàng nghìn đô la.
Giám đốc khoa học của NZCR, Tiến sĩ Chris Wynne chia sẻ rằng có nhiều lý do thúc đẩy mọi người đăng ký tham gia thử nghiệm.
Những bệnh nhân tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu thường có kết quả tốt hơn về mặt lâm sàng, và động lực của họ thường là muốn tiếp cận với các loại thuốc mới.
Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, những người tham gia thường là những người khỏe mạnh, được bồi thường cho thời gian và công sức của họ. Lòng nhân ái là một yếu tố quan trọng, nhưng nhìn chung, động lực chủ yếu vẫn là được đền bù.
Rất nhiều nghiên cứu hiện tại đang ở giai đoạn rất sớm, khi các loại thuốc đã được thử nghiệm trên động vật, và giờ đây đang được thử nghiệm trên con người.
Động lực tham gia cũng có thể xuất phát từ thành viên trong gia đình mắc căn bệnh tương tự, và họ muốn giúp đỡ.
Hiện tại có một nghiên cứu về điều trị vô sinh nam tại Auckland, trong đó những người tham gia sẽ nhận được 10.000 đô la.
Tiến sĩ Wynne cho biết: "Đây là một nghiên cứu phức tạp, người tham gia phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện dưới sự giám sát của chúng tôi. Họ sẽ chỉ sinh hoạt giới hạn tại cơ sở nghiên cứu hoặc có thể khám ngoại trú, nhưng các yếu tố như thói quen uống rượu, tập thể dục, và chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu".
Mặc dù nghe có vẻ tốn kém, nhưng thực tế, mức bồi thường được xác định dựa trên một thuật toán được Hội đồng Y đức phê duyệt, dựa trên mức trợ cấp thất nghiệp.
Thời điểm an toàn nhất để tham gia thử nghiệm lâm sàng là giai đoạn đầu trong quá trình phát triển thuốc.
"Ở New Zealand và nhiều khu vực khác, các quy định về pháp lý rất nghiêm ngặt. Chúng tôi sẽ không cung cấp một loại thuốc mới nếu không đảm bảo an toàn", ông nói.
Tiến sĩ Wynne cho biết rằng việc tham gia vào thử nghiệm có thể an toàn hơn so với việc băng qua đường để đến nơi thử nghiệm. Nếu xét về số tiền phải trả cho mỗi lần bị tổn hại, thì đây là ngành an toàn nhất ở New Zealand hiện nay".
Nếu có vấn đề xảy ra trong quá trình thử nghiệm, với một loại thuốc chưa được đăng ký, ACC sẽ không chi trả bảo hiểm.
Mọi công ty tiến hành nghiên cứu đều phải có chính sách bảo hiểm được Hội đồng Y đức chấp thuận, bảo hiểm thương tật và bồi thường ít nhất bằng mức mà ACC đang áp dụng.
Với 25 năm làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu giai đoạn đầu, ông chưa bao giờ nhận được yêu cầu bồi thường bảo hiểm từ người tham gia.
Hiện tại, NZCR có 100.000 người trong cơ sở dữ liệu của mình.
Sắp tới sẽ có một nghiên cứu về vắc-xin cúm được thực hiện tại nhiều đơn vị trên toàn quốc. Ví dụ, các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 ở Auckland đã thu hút 800 người đăng ký tham gia nghiên cứu trong khoảng một tháng tới."