Nhiều tổ chức từ thiện tại New Zealand đang phải gánh khoản chi phí khổng lồ để xử lý những món đồ quyên góp không thể sử dụng được, mà thực chất là... rác thải.
Tại The Koha Shop ở Kaikohe, quản lý Karen Edwards cho biết cô đã chứng kiến không ít trường hợp "khó tin" trong những món đồ mà người dân mang tới quyên góp.
“Từ quần lót nam thủng đáy, quần lót nữ dính bẩn, cho tới khăn bếp loang lổ sơn – chúng tôi thấy đủ cả,” cô chia sẻ.
Cửa hàng hoạt động theo hình thức nhận quyên góp đồ gia dụng, quần áo và các vật dụng cần thiết, sau đó sắp xếp và bán lại với giá tự nguyện (koha) để hỗ trợ cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, lượng rác đi kèm với đồ quyên góp ngày càng nhiều khiến cửa hàng lâm vào cảnh "dở khóc dở cười".
“Từ vài túi rác mỗi tuần, giờ đây chúng tôi phải thuê thùng chứa lớn và đổ rác hai lần mỗi tháng,” cô nói. “Chúng tôi cố gắng nhấn mạnh với khách rằng số tiền bán hàng đang bị dùng để chi trả phí đổ rác thay vì giúp đỡ người khó khăn.”
Karen tin rằng một phần nguyên nhân đến từ sự lười biếng hoặc tâm lý "tiếc của", khiến người ta lựa chọn quyên góp thay vì tự xử lý đồ cũ.
“Đôi khi, mọi người cảm thấy đỡ tội lỗi hơn khi ‘cho đi’ những món đồ không dùng nữa, ngay cả khi chúng đã quá cũ kỹ hoặc bẩn. Nhưng sự thật là, hầu hết người mua không hề muốn những món đồ dơ bẩn ấy. Kết quả là chúng tôi phải tự xử lý như rác.”
Chi phí khổng lồ đè nặng tổ chức từ thiện
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở The Koha Shop. Bà Cathy Crichton, Tổng giám đốc bán lẻ của SPCA New Zealand, cho biết hệ thống cửa hàng của họ đã phải chi tới 250.000 NZD chỉ trong năm nay cho việc xử lý rác và tái chế.
“Việc tiếp nhận đồ quyên góp tăng mạnh vào dịp nghỉ hè và các kỳ nghỉ học. Khi lượng hàng vượt quá khả năng tiếp nhận của cửa hàng, chúng tôi phải chuyển tới kho lưu trữ và trung tâm phân phối,” bà nói.
Cathy cũng nhấn mạnh: người dân cần có trách nhiệm xã hội khi quyên góp đồ – nhất là với các thiết bị điện tử, cần đảm bảo tính an toàn và sử dụng được.
“Chúng tôi mong người quyên góp suy nghĩ kỹ, vì đôi khi họ chỉ đang ‘chuyển giao một vấn đề’ cho người khác.”
Quyên góp – giải pháp hay… cách trốn tránh trách nhiệm?
Chuyên gia thời trang Saffron Kingan cho rằng quyên góp thường được xem là hành động tốt đẹp, nhưng trong nhiều trường hợp lại là một cách "vứt rác không áy náy".
“Nhiều người quyên góp quần áo mà chính họ cũng không muốn mặc hoặc tặng bạn bè. Đó là cách họ cảm thấy mình đang làm việc thiện, nhưng thực chất lại là đẩy rác cho nơi khác xử lý.”
Bà cũng cảnh báo về tâm lý xem nhẹ giá trị quần áo do thói quen tiêu dùng đồ rẻ và việc thiếu sửa chữa, tái sử dụng – khiến vòng đời sản phẩm trở nên ngắn ngủi.
Giải pháp dài hạn: Tái chế vải tại chỗ
Theo bà Crichton, một trong những cơ hội lớn nhất hiện nay là xây dựng hệ thống tái chế vải quy mô quốc gia.
“Chúng ta cần chính quyền địa phương và trung ương hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tái chế vải ngay tại New Zealand, thay vì tiếp tục xuất khẩu rác thải vải ra nước ngoài.”
Phía Salvation Army lên tiếng
Người phát ngôn của Salvation Army cho biết họ trân trọng mọi đóng góp từ cộng đồng.
“Mặc dù đôi khi nhận phải những món đồ không thể bán lại, nhưng chi phí xử lý vẫn là một phần rất nhỏ trong tổng hoạt động. Quan trọng là, nhờ quyên góp, chúng tôi đã giúp hơn 12 triệu món đồ tránh khỏi bãi rác.”
Theo 1news.co.nz – Noo Thuyen