Một tổ chức bảo tồn biển cho biết ngư trường cá cam lớn nhất quốc gia đang "vượt ngưỡng sụp đổ" và cảnh báo rằng việc đóng cửa một phần khu vực khai thác là chưa đủ – cần lệnh cấm đánh bắt kéo đáy toàn diện để bảo vệ loài cá quý hiếm này.
Cá cam Chatham Rise đang trên bờ vực tuyệt chủng
Bộ Ngành Công nghiệp Chính phủ (MPI) đang mở cuộc tham vấn về giới hạn đánh bắt cá cam (orange roughy) trong năm nay, bao gồm cả khả năng đóng cửa toàn bộ khu vực Chatham Rise phía Đông và Nam, nơi từng là ngư trường lớn nhất của loài cá này.
Trong thập niên 1980–1990, mỗi năm có từ 20.000–30.000 tấn cá cam được đánh bắt tại khu vực này. Tuy nhiên, đánh giá năm 2024 của MPI cho thấy một số quần thể cá đã suy giảm tới 90%.
Tổ chức bảo tồn yêu cầu cấm đánh bắt kéo đáy toàn bộ
Tổ chức Deep Sea Conservation Coalition (DSCC) khẳng định, đóng cửa một phần Chatham Rise là chưa đủ để cứu loài cá này.
"Chúng ta đã vượt qua điểm giới hạn. Mô hình nghiên cứu cho thấy hơn 80–90% số lượng cá đã biến mất – đây chính là ngưỡng được coi là sụp đổ đối với một ngư trường," – Karli Thomas, đại diện DSCC nói.
Bà cho biết, việc kéo lưới đáy phá hủy môi trường sống, đặc biệt là các rạn san hô và núi ngầm – nơi cá cam sinh sản, là nguyên nhân then chốt dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng này.
"Chúng ta đang phá hủy nơi ở và chu kỳ sinh sản của cá. Chúng không còn cơ hội hồi phục nếu không có biện pháp mạnh."
Thomas nói thêm, trong một đợt đánh bắt, có tới 6 tấn san hô bị kéo lên cùng với cá.

MPI: Đã cắt giảm 40% hạn ngạch nhưng vẫn chưa đủ
• Năm 2023, hạn ngạch đánh bắt cá cam tại Chatham Rise đã bị cắt giảm 40% (từ 7967 xuống 4752 tấn).
• Tuy nhiên, chỉ có 2691 tấn được đánh bắt, cho thấy nguồn cá thực tế thấp hơn nhiều so với hạn ngạch cho phép.
• Đánh giá vào tháng 5/2025 cho thấy số lượng cá cam chỉ còn 8–18% so với ban đầu, thấp hơn nhiều so với ngưỡng quản lý bền vững là 30–50%.
MPI hiện đang tham vấn cộng đồng với 4 phương án:
1. Giảm hạn ngạch thêm 23%
2. Giảm 42%
3. Giảm 60%
4. Đóng cửa hoàn toàn khu vực Chatham Rise phía Đông và Nam
Tổ chức DSCC ủng hộ phương án thứ 4.
Cá cam – Loài cá sống lâu và sinh sản chậm
• Cá cam có thể sống tới 120–130 năm, thậm chí hơn 200 năm.
• Chúng chỉ bắt đầu sinh sản từ 25–30 tuổi, và mỗi năm chỉ sinh sản đều đặn sau khi đạt 70–80 tuổi.
• Điều này khiến chúng đặc biệt dễ bị khai thác cạn kiệt và phục hồi rất chậm.
"Ngay cả khi được bảo vệ ngay hôm nay, sẽ mất cả một đời người để quần thể cá cam có thể phục hồi," – Thomas nói.
Kiện tụng và chỉ trích chính sách đánh bắt
Hiện tại, Bộ trưởng Đại dương và Thủy sản đang bị kiện bởi tổ chức Environmental Law Initiative vì bị cáo buộc không xem xét đúng mức tác hại của đánh bắt kéo đáy trong quyết định quản lý năm 2023.
MPI cho biết kể từ đó đã tiến hành các khảo sát âm học, cập nhật mô hình dữ liệu và nghiên cứu bổ sung để đưa ra quyết định dựa trên thông tin khoa học.
Sau tham vấn cộng đồng kết thúc vào ngày 28/7, Bộ sẽ đưa ra khuyến nghị cho Bộ trưởng Shane Jones, áp dụng từ ngày 1/10/2025.
MPI nói gì về tác động kéo đáy?
Emma Taylor, giám đốc quản lý thủy sản của MPI, thừa nhận có hiện tượng bycatch (đánh bắt ngoài ý muốn) như san hô, nhưng gọi đó là "rất hiếm".
“Hiện có các biện pháp bảo vệ môi trường biển, bao gồm việc đóng cửa 32% diện tích đáy biển New Zealand để cấm kéo đáy và nạo vét,” Taylor nói.
Theo rnz.co.nz – Noo Thuyen