Một người nuôi ong ở West Coast – người từng tham gia tìm kiếm thi thể trong thảm họa hàng không Erebus và sau này trở thành nạn nhân của một vụ buôn ma túy lừa đảo, đã mất tích khi đi bộ đường dài gần Greymouth.
Cảnh sát lo ngại cho sự an toàn của người đàn ông 75 tuổi, người đã không trở về sau chuyến đi bộ từ núi Mt Davy đến Mt Sewell (phía đông bắc Greymouth) vào thứ Tư vừa qua.
Ông Arbon có thể mặc áo phao xanh, quần short và giày đi bộ, nhưng trang phục hiện chưa được xác nhận.
“Cảnh sát đang tiến hành hoạt động tìm kiếm ở khu vực phía đông bắc Greymouth liên quan đến người đi bộ mất tích.”
Tham gia tìm kiếm có các đội Tìm kiếm và Cứu hộ của cảnh sát, các tình nguyện viên LANDSAR từ Greymouth và các khu vực lân cận, cùng với một chú chó tìm kiếm và cứu hộ. Họ đang gặp phải “điều kiện thời tiết vùng núi cao”.
“Các đội đang rà soát những khu vực và lối mòn mà người đi bộ có thể đã đi qua. Mặc dù người đàn ông 75 tuổi được cho là một người đi bộ dày dạn kinh nghiệm, nhưng thời gian mất liên lạc kéo dài và thời tiết lạnh giá khiến chúng tôi lo ngại cho sự an toàn của ông.”
Làm việc tại Nam Cực sau vụ tai nạn ở Erebus
Arbon từng làm việc cho bộ phận Nam Cực thuộc Bộ Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp (DSIR) vào năm 1979, khi chuyến bay số hiệu 901 của hãng Air New Zealand đâm vào núi Erebus trên đảo Ross.
Ông sau đó đã chia sẻ với trang NZ History về vai trò của mình trong công tác tìm kiếm và cứu hộ.
“Điều kiện khi đó rất nguy hiểm. Chúng tôi làm việc trên một sông băng và không biết chính xác các khe nứt nằm ở đâu. Khi phát hiện được, chúng tôi cắm cờ để đánh dấu. Tôi nhớ mình vừa mang một chiếc vali chứa đủ thứ dụng cụ, vừa cầm rìu băng dò tìm các khe nứt,” ông kể.
“Một điều luôn ám ảnh tôi là mùi nhiên liệu hàng không chưa cháy. Khi máy bay rơi, có một vụ nổ do nhiên liệu nhưng không phải toàn bộ đều bốc cháy.”
“Khi tôi trở về Trạm Scott sau giai đoạn tìm kiếm thi thể, tôi được yêu cầu hỗ trợ dựng một cây thánh giá tưởng niệm tại hiện trường. Việc này diễn ra trong một trận gió giật mạnh đến mức trực thăng không thể tắt máy. Tôi tin rằng đó là vì gió quá lớn, nếu tắt máy thì sẽ không thể khởi động lại mà không gây hư hại đến cánh quạt chính.”
Ông cũng từng tham gia công tác tìm kiếm thi thể của 14 nạn nhân thiệt mạng trong vụ sập sàn đài quan sát tại Cave Creek, Công viên Quốc gia Paparoa, vào năm 1995.
Sau đó, Arbon trở thành nạn nhân của một đường dây buôn ma túy quốc tế.
Ông bị giam giữ tại Úc sau khi một chiếc vali ông mang từ Brazil bị phát hiện giấu hơn 2kg cocaine.
Tuy nhiên, Arbon đã được tuyên vô tội với cáo buộc buôn ma túy sau phiên tòa tại Tòa án Quận Tây Úc.
Câu chuyện của ông sau đó được kể lại trong bộ phim tài liệu The Scam.
Bất kỳ ai đã nhìn thấy Roy hoặc có thông tin về tung tích của ông đều được kêu gọi liên hệ với cảnh sát qua số 105 và cung cấp mã vụ việc P063265345.
Theo rnz.co.nz - Hani Dang