// //]]> Tiếng Anh sẽ được đặt trên tiếng Māori trong thiết kế hộ chiếu mới của New Zealand

Breaking

Tiếng Anh sẽ được đặt trên tiếng Māori trong thiết kế hộ chiếu mới của New Zealand

Hộ chiếu New Zealand sẽ được thiết kế lại, theo đó phần chữ tiếng Anh sẽ được đặt phía trên dòng chữ bằng tiếng Māori (te reo Māori). Tuy nhiên, diện mạo mới này sẽ chưa được áp dụng cho đến cuối năm 2027.

Bộ trưởng Nội vụ Brooke van Velden
Bộ trưởng Nội vụ Brooke van Velden. Ảnh: RNZ / Mark Papalii

Kể từ năm 2021, các hộ chiếu mới được cấp đều in dòng chữ "Uruwhenua Aotearoa" (tiếng Māori) bằng mực bạc, nằm phía trên dòng chữ "New Zealand Passport".

Vào thứ Sáu, Bộ trưởng Nội vụ Brooke van Velden xác nhận rằng trong tương lai, vị trí của hai dòng chữ này sẽ được hoán đổi nhằm phản ánh cam kết của liên minh cầm quyền trong việc ưu tiên sử dụng tiếng Anh — vì đây là ngôn ngữ được đa số người dân New Zealand sử dụng.

Bà cho biết việc thiết kế lại này – sẽ được công bố vào cuối năm nay – là một phần trong kế hoạch nâng cấp bảo mật định kỳ, nên sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho người dân khi làm hộ chiếu.

Những cuốn hộ chiếu theo thiết kế mới sẽ chỉ được cấp sau khi toàn bộ số hộ chiếu hiện tại đã được sử dụng hết.

Người phát ngôn của Bộ Nội vụ nói với RNZ rằng cơ quan này đang hướng tới mốc “cuối năm 2027” để triển khai mẫu hộ chiếu cập nhật.

Đảng ACT đã ca ngợi động thái của bà van Velden trên mạng xã hội, cho rằng sự thay đổi này sẽ “khôi phục vị trí của tiếng Anh trước tiếng Māori – mà không làm tốn ngân sách của người dân”.

Vào năm 2021, Bộ Nội vụ từng quảng bá thiết kế hiện tại của hộ chiếu New Zealand là “một thiết kế độc đáo đáng tự hào”, đồng thời nhấn mạnh việc sử dụng tiếng Māori (te reo Māori) nổi bật hơn, cả trên bìa và trong toàn bộ cuốn hộ chiếu.

Sự thay đổi lần này là một phần trong nỗ lực có chủ đích của liên minh cầm quyền nhằm ưu tiên tiếng Anh hơn tiếng Māori trong các thông tin và văn bản chính thức.

Trong thỏa thuận liên minh giữa đảng New Zealand First và đảng National, có quy định rằng tên chính của các cơ quan công vụ phải được thể hiện bằng tiếng Anh, và các cơ quan này cũng phải giao tiếp “chủ yếu bằng tiếng Anh”, trừ những tổ chức liên quan trực tiếp đến người Māori.

Thỏa thuận này cũng bao gồm một cam kết — hiện vẫn chưa được thực hiện — rằng tiếng Anh sẽ được công nhận là ngôn ngữ chính thức của New Zealand.

Vào thứ Tư, lãnh đạo đảng New Zealand First kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, ông Winston Peters, đã phản đối việc đảng Xanh sử dụng cụm từ “Aotearoa New Zealand” trong phiên Chất vấn tại Quốc hội.

“Không hề tồn tại quốc gia nào như vậy,” ông Peters nói. “Tên chính thức của quốc gia này trong tất cả các văn bản, cũng như tại Liên Hợp Quốc, là New Zealand.

Chúng ta không thể để ai đó tự ý — không tham vấn, không hỏi ý kiến người dân — thay đổi tên gọi của đất nước.”

Chủ tịch Hạ viện Gerry Brownlee đã yêu cầu ông Peters trả lời một cách “hợp lý” và nhắc lại phán quyết mà ông đưa ra đầu năm nay rằng việc các nghị sĩ sử dụng cụm từ “Aotearoa New Zealand” là không sai quy định.

“Ủy ban Địa danh New Zealand cũng công nhận và sử dụng cụm từ 'Aotearoa New Zealand',” ông Brownlee nói trước các nghị sĩ.

“Sẽ thật nực cười nếu Quốc hội này cấm việc sử dụng cụm từ đó trong khi chính Ủy ban Địa danh lại đang sử dụng.”

Quay trở lại vấn đề này vào ngày hôm sau, ông Peters đã yêu cầu ông Brownlee xem xét lại, với lý do Ủy ban Địa danh không có thẩm quyền thay đổi tên quốc gia.

Tuy nhiên, ông Brownlee không thay đổi lập trường.

Ông chỉ ra rằng từ “Aotearoa” từ lâu đã được sử dụng phổ biến như một tên gọi của đất nước, bao gồm cả trên hộ chiếu New Zealand — một điều mà ông Peters, với vai trò là Bộ trưởng Ngoại giao, hẳn phải nắm rõ.

“Ông ấy trong suốt hơn năm năm qua đã nhiều lần trình hộ chiếu New Zealand tại các cửa khẩu trên thế giới mà chưa từng một lần đặt câu hỏi về việc từ 'Aotearoa' xuất hiện trên bìa hộ chiếu,” ông Brownlee nói.

“Tôi cũng xin nói thêm rằng trong suốt ngần ấy năm… chưa từng có một âm tiết, một lời thì thầm, một tiếng phàn nàn hay bất kỳ sự phản đối nào từ chính phủ mà ông ấy là thành viên.

Vấn đề đến đây là kết thúc.”

Theo rnz.co.nz - Hani Dang

Previous Post
Previous Post Next Post

Du lịch

Rao vặt New Zealand

Thông tin Rao Vặt Người Việt tại New Zealand.

Tạo tài khoản ngay