ASB và ANZ từ chối đề nghị dàn xếp vụ kiện tập thể trị giá khoảng 300 triệu đô, khiến vụ việc tiếp tục kéo dài và lôi kéo cả giới lập pháp New Zealand vào cuộc.
Vụ kiện tập thể này là gì?
Vụ kiện nhằm vào các vi phạm của ASB và ANZ đối với Luật Hợp đồng Tín dụng và Tài chính Tiêu dùng (CCCFA).
Từ năm 2015 đến 2019, CCCFA quy định rằng nếu một tổ chức cho vay vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, họ phải hoàn trả toàn bộ lãi suất và các khoản phí đã thu trong thời gian vi phạm.
Vụ kiện cáo buộc rằng trong khoảng thời gian từ ngày 30/5/2015 đến 28/5/2016, một lỗi lập trình tại ANZ đã khiến hệ thống không tính đủ phần lãi đã phát sinh nhưng chưa thu. Do đó, các thư điều chỉnh khoản vay chứa thông tin sai lệch. ANZ cho biết lỗi này khiến khách hàng bị thu thiếu.
Với ASB, cáo buộc cho rằng từ ngày 6/6/2015 đến 18/6/2019, ngân hàng này không đảm bảo khách hàng nhận được thông tin điều chỉnh đầy đủ khi họ yêu cầu thay đổi kỳ hạn, số tiền hoặc tần suất thanh toán, qua điện thoại hoặc tại chi nhánh. Ngoài ra, ASB còn bị cho là đã không tuân thủ quy định khi công bố các thay đổi khác đối với khoản vay.
Ước tính, nếu tòa xử bất lợi cho các ngân hàng, hơn 150.000 khách hàng có thể được bồi hoàn hàng trăm triệu đô.
Khách hàng được đưa vào vụ kiện theo hình thức “tự động tham gia” (opt-out), tức là tất cả khách hàng bị ảnh hưởng theo xác định của tòa sẽ được đại diện, trừ khi họ chọn rút khỏi vụ kiện.
Vụ kiện đã kéo dài khoảng 4 năm. Giảng viên luật cao cấp Nikki Chamberlain (ĐH Auckland) nhận định đây là vụ kiện tiêu dùng tập thể lớn nhất trong lịch sử New Zealand.
Các ngân hàng đã bồi thường chưa?
Cả hai ngân hàng đều đã bồi thường sau khi tự báo cáo vi phạm lên Ủy ban Thương mại.
ANZ đã chi khoảng 6 triệu đô bồi thường ban đầu. Sau cuộc điều tra, ANZ thừa nhận vi phạm và đồng ý chi thêm 29,4 triệu đô. ASB thì đồng ý trả hơn 8 triệu đô.
Luật sắp thay đổi như thế nào?
Dự luật sửa đổi CCCFA hiện đang được ủy ban quốc hội xem xét, trong đó có đề xuất thay đổi hồi tố. Thay vì áp dụng hình phạt cứng cho mọi vi phạm trong giai đoạn 2015–2019, tòa sẽ có quyền quyết định mức bồi thường “hợp lý và công bằng”.
Trước đó vào năm 2019, luật đã được sửa để cho phép linh hoạt hơn với các vi phạm từ thời điểm đó trở đi. Nay, sửa đổi này sẽ áp dụng ngược lại cả với các vi phạm cũ chưa được tòa giải quyết.
Phản ứng và chỉ trích
Luật sư Scott Russell, đại diện nguyên đơn, cho rằng việc thay đổi luật tạo ra tiền lệ nguy hiểm và khiến bên khởi kiện chịu thêm chi phí, trì hoãn và mất đi sự chắc chắn pháp lý.
Giảng viên Nikki Chamberlain nói rằng:
“Luật bảo vệ người tiêu dùng thường có tính chất trừng phạt để buộc các tổ chức lớn như ngân hàng phải đầu tư vào hệ thống tuân thủ. Nếu không có hình phạt đủ nặng, ngân hàng chẳng có lý do gì để tự giám sát.”
Cô lo ngại nếu luật được thay đổi hồi tố, chi phí và công sức để chứng minh từng vi phạm riêng lẻ sẽ quá lớn, khiến vụ kiện không còn khả thi về kinh tế. Điều này có thể khiến các quỹ tài trợ kiện tập thể rút lui khỏi những vụ tương tự trong tương lai.
Chamberlain nói:
“Thay đổi luật giữa chừng trong khi vụ kiện đang diễn ra không chỉ làm mất niềm tin vào hệ thống pháp luật mà còn đe dọa đến nền dân chủ, khi các tổ chức lớn có thể vận động hành lang để thay đổi luật theo hướng có lợi cho mình.”
Quan điểm từ các ngân hàng
Roger Beaumont, CEO Hiệp hội Ngân hàng New Zealand, cho rằng việc sửa luật là cần thiết:
“Từ 2015 đến 2019, nếu ngân hàng chỉ sai một thông tin nhỏ — ví dụ sai số điện thoại — thì có thể bị buộc trả lại toàn bộ lãi và phí, dù không có thiệt hại thực tế nào cho khách hàng. Hậu quả đó là quá nặng.”
Dự báo từ Ngân hàng Dự trữ New Zealand cho thấy hệ thống tài chính có thể gặp rủi ro tới 12,9 tỷ đô nếu giữ nguyên luật hiện tại.
Ông Beaumont nói sửa luật cũng sẽ giúp các tổ chức cho vay nhỏ không bị phá sản vì chi phí kiện tụng.
Chuyên gia nói gì?
Chuyên gia ngân hàng Claire Matthews (ĐH Massey) cho rằng nếu vụ kiện thắng lợi, quỹ kiện tập thể có thể coi đây là cơ hội kiếm lời và tiếp tục tìm các vụ tương tự.
Bà cho rằng luật hiện tại quá có lợi cho người tiêu dùng, thậm chí có thể “khuyến khích” họ tìm lỗi nhỏ để được miễn toàn bộ tiền lãi.
“Chỉ cần một lỗi nhỏ — như trong vụ này — và bạn có thể không phải trả lãi cho cả khoản vay? Điều đó nghe có vẻ không hợp lý.”
Bà nói việc sửa luật hồi tố không hiếm, và trong một số trường hợp là hợp lý.
Đề nghị dàn xếp ra sao?
Tuần trước, phía nguyên đơn đề xuất dàn xếp với tổng trị giá hơn 300 triệu đô, nhưng cả hai ngân hàng đều từ chối.
Đề nghị bao gồm một giới hạn trách nhiệm, là mức thấp hơn giữa:
– 68% tổng chi phí vay mà khách hàng đã trả trong thời gian vi phạm, hoặc
– một tỷ lệ nhỏ trên lợi nhuận của ngân hàng.
Với ANZ là 3,5% lợi nhuận trong giai đoạn tài chính 2016–2019; ASB là 5%.
ANZ gọi đề nghị này là “màn trình diễn”.
Claire Matthews nói nếu luật thay đổi, vụ kiện có thể vẫn tiếp tục nhưng khả năng bồi thường và lợi ích từ phán quyết sẽ giảm đáng kể. Khi đó, các quỹ tài trợ có thể rút lui vì chi phí theo đuổi vụ kiện không còn xứng đáng.
Theo rnz.co.nz - Hani Dang