// //]]> Sắp đóng hạn góp ý dự luật xử phạt bóc lột lao động nhập cư tại New Zealand

Breaking

Sắp đóng hạn góp ý dự luật xử phạt bóc lột lao động nhập cư tại New Zealand

Hạn chót để gửi ý kiến đóng góp cho một dự luật quan trọng nhằm hình sự hóa hành vi bóc lột lao động nhập cư sẽ kết thúc vào thứ Hai tới.

Một số vụ việc bóc lột người di cư nghiêm trọng đã được phát hiện ở Auckland trong những năm gần đâyMột số vụ việc bóc lột người di cư nghiêm trọng đã được phát hiện ở Auckland trong những năm gần đây. Ảnh: RNZ / Blessen Tom

Dự luật mang tên Immigration (Fiscal Sustainability and System Integrity) Amendment Bill được Bộ trưởng Di trú Erica Stanford giới thiệu vào ngày 7 tháng 4, với nhiều đề xuất sửa đổi liên quan đến tội danh, hình phạt và quy trình tố tụng.

Dự luật đã được thông qua lần đầu tại Quốc hội vào ngày 24 tháng 6 và hiện đang được Ủy ban Giáo dục và Nhân lực xem xét.

Lấp lỗ hổng trong luật để chống bóc lột người nhập cư

Khi trình bày dự luật trước Quốc hội, bà Stanford nhấn mạnh rằng một trong những điểm chính là bổ sung tội danh mới nhằm xử lý hành vi yêu cầu hoặc nhận tiền "hoa hồng" để đổi lấy việc làm.

"Việc thu phí để đổi lấy công việc là một hình thức bóc lột đang ngày càng phổ biến và gây tổn hại thực sự cho người nhập cư," bà nói.

"Hiện tại, pháp luật chưa bao phủ các trường hợp người lao động trả phí trước khi bắt đầu làm việc, trả ở nước ngoài, hoặc bị thu phí bởi người không phải là chủ lao động trực tiếp."

Bà Stanford cho rằng việc bổ sung tội danh này sẽ làm rõ rằng hành vi trên không được chấp nhận tại New Zealand, đồng thời tạo điều kiện để cơ quan chức năng truy tố thêm nhiều trường hợp bóc lột lao động nhập cư.

Chi tiết tội danh mới trong Luật Di trú sửa đổi

Dự luật đề xuất bổ sung điều 351A vào Luật Di trú 2009, quy định rằng:

“Sẽ là hành vi phạm tội nếu một cá nhân liên quan đến tuyển dụng lao động cố tình yêu cầu hoặc nhận tiền từ nạn nhân để đổi lấy việc làm hoặc cơ hội việc làm tại New Zealand.”

Điều khoản này áp dụng ngay cả trước khi nạn nhân bắt đầu công việc, hoặc dù họ có thực sự làm việc tại New Zealand hay không.

“Nạn nhân” được định nghĩa là người cư trú tại New Zealand hoặc ở nước ngoài và thuộc một trong các nhóm sau:

Lao động không hợp pháp

Người có visa nhập cảnh tạm thời

Người có khả năng được cấp visa nhập cảnh tạm thời

Người có khả năng được cấp visa thường trú

Hiện nay, luật chỉ xử lý các trường hợp người lao động đang làm việc hợp pháp và bị chính chủ lao động thu phí. Dự luật mới sẽ mở rộng phạm vi, bao gồm cả:

Nhà tuyển dụng tiềm năng

Đại lý môi giới việc làm

Bất kỳ người nào tham gia vào quá trình tuyển dụng

Hình phạt nặng cho hành vi bóc lột

Nếu được thông qua, điều 351A quy định hình phạt cho hành vi bóc lột lao động như sau:

Tù giam lên đến 7 năm

Phạt tiền lên đến 100.000 NZD

Hoặc cả hai

Một số ý kiến trái chiều về dự luật

Arunjeev Singh, Tổng thư ký Diễn đàn Chuyên gia Di trú New Zealand, lên tiếng chỉ trích một số điều khoản trong dự luật vì cho rằng nó trao "quyền lực quá mức" cho nhân viên di trú và vượt quá giới hạn trong mối quan hệ lao động.

Một số chuyên gia di trú khác cũng đặt câu hỏi về khả năng thực thi luật này nếu đối tượng vi phạm nằm ngoài lãnh thổ New Zealand.

Theo rnz.co.nz – Noo Thuyen

Previous Post
Previous Post Next Post

Du lịch

Rao vặt New Zealand

Thông tin Rao Vặt Người Việt tại New Zealand.

Tạo tài khoản ngay